Các lãnh đạo ASEAN thể hiện tình đoàn kết trong buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh sáng 27/4 tại Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố chung của ASEAN phát đi hôm qua cho biết các nhà lãnh đạo khu vực “đặc biệt lo ngại” về hành vi bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Chúng tôi chia sẻ những quan ngại nghiêm trọng của một số nhà lãnh đạo về hành vi lấn biển đang được thực hiện trên biển Đông. Nó đã xói mòn lòng tin và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”, tuyên bố chung cảnh báo.
Nước chủ nhà Malaysia, đang giữ vai trò chủ tịch ASEAN, yêu cầu ngoại trưởng các nước khu vực “khẩn thiết giải quyết vấn đề này” theo các cơ chế đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak kêu gọi Trung Quốc không tiếp tục thực hiện các hành vi gây bất ổn.
Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh phát biểu của thủ tướng Malaysia và bày tỏ lo ngại về hoạt động bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông và các hệ lụy của chúng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thủ tướng cũng kêu gọi các nước thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
"Chúng tôi hy vọng sẽ gây ảnh hưởng được với Trung Quốc, bởi đối đầu với ASEAN không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Và bất kỳ ý đồ nào nhằm gây bất ổn khu vực cũng không đem lại lợi lộc gì cho Trung Quốc"
Thủ tướng Malaysia NAJIB RAZAK
Lời kêu gọi của Philippines
Học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định tuyên bố chung của ASEAN là rất mạnh mẽ so với các tuyên bố trước đây về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông bi quan dự báo bất chấp phản ứng của ASEAN, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông.
Bằng chứng là ngay sau khi ASEAN ra tuyên bố chung, Trung Quốc lập tức có phản ứng tiêu cực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “sẵn sàng hợp tác với ASEAN” nhưng lặp lại luận điệu khiêu khích các đảo nhân tạo đang được xây dựng “trong vùng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.
“Cáo buộc của một số nước chống lại Trung Quốc là không hợp lý”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Trước đó, phát biểu tại hội nghị ASEAN, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cáo buộc hành vi của Trung Quốc đã vi phạm DOC năm 2002.
Đó là các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông không được thực hiện bất kỳ hành vi nào làm leo thang căng thẳng. Ông cho rằng ASEAN cần phải có ý chí chính trị và sự đồng thuận “chống lại các hành vi làm leo thang căng thẳng”.
“Các hành động của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và thương mại toàn cầu, đồng thời đe dọa hủy diệt môi trường biển”, ông Aquino thẳng thắn chỉ trích. Ông Aquino cũng kêu gọi các nước ASEAN “đạt lập trường đấu tranh chung để bảo vệ tự do hàng hải, thương mại trên Biển Đông” và nhanh chóng lập COC với Trung Quốc.
Trước đó Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario từng kêu gọi ASEAN lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng lập tức hành vi xây đảo trái phép. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Kuala Lumpur cho biết nước chủ nhà Malaysia không muốn đưa ra một phản ứng quá căng thẳng với Bắc Kinh.
ASEAN còn chưa thống nhất
Thủ tướng Malaysia Najib cho biết ASEAN muốn “tương tác với Trung Quốc một cách xây dựng”. Báo Today Online dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam thừa nhận các nước ASEAN vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận đủ vững vàng để yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay hành vi xây đảo trái phép.
“Sự đồng thuận hiện tại là chúng tôi muốn cố gắng giảm căng thẳng. Công bằng mà nói, tiến trình đàm phán COC phải diễn ra nhanh hơn. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục thúc đẩy”, Bộ trưởng Shanmugam cho biết.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố những ngày qua cho thấy Trung Quốc đang ồ ạt lấn biển cũng như xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên bảy bãi cạn và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Xuất hiện gần đây nhất là các hình ảnh chụp đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây tại đá Xu Bi.
Trong một báo cáo vừa công bố, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc mô tả chiến lược của Trung Quốc là nhằm “từ từ rút trái tim hàng hải của ASEAN ra khỏi Đông Nam Á”. Giáo sư Thayer kêu gọi Chính phủ Mỹ và ASEAN mở chiến dịch vận động để cả thế giới thấy rõ hành vi sai trái của Trung Quốc.
Mỹ và các nước đồng minh cũng cần thường xuyên mở các chiến dịch hải quân trên Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc đòi chủ quyền quá đáng hoặc dùng vũ lực đe dọa các nước láng giềng. “An ninh trong lĩnh vực hàng hải là vấn đề tối quan trọng và không thể chia rẽ đối với mọi thành viên ASEAN, dù là nước ven biển hay không có biển”, giáo sư Thayer nhấn mạnh.