Hôm 6/2, các bộ trưởng ngoại giao từ 10 nước ASEAN đã ra tuyên bố chung sau hội nghị một ngày tại Singapore, chủ tịch của hiệp hội năm nay. Theo AFP, dù không nhắc đích danh Trung Quốc, tuyên bố chung đề cập đến những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông thời gian qua.
"Các bộ trưởng đã lưu ý đến những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi lấp và các hoạt động khác tại khu vực, vốn đã gây xói mòn lòng tin và uy tín, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực", Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói trong tuyên bố.
Hồi tháng 12, Trung Quốc từng lên tiếng cho rằng hoạt động xây dựng của họ trên Biển Đông là "bình thường", sau khi một tổ chức nghiên cứu tại Mỹ cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy việc triển khai hệ thống radar và nhiều thiết bị khác.
Các vị trí phát hiện hoạt động trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS. |
Trong báo cáo được công bố hôm 14/12/2017, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết hoạt động lắp đặt trái phép các thiết bị quân sự được Trung Quốc tiến hành trong suốt năm 2017 tại các thực thể do nước này chiếm đóng phi pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Ông Balakrishnan cũng cho biết các ngoại trưởng thống nhất sẽ nỗ lực để tiến đến ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) dựa trên "lộ trình đã được nhất trí". Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về COC.
Dù vậy, ngoại trưởng Singapore cảnh báo đây sẽ là cuộc đàm phán phức tạp và lộ trình nói trên vẫn cần có sự đồng thuận từ Bắc Kinh.