Ở tuổi 34, không còn thêm cơ hội nào để hy vọng "Cậu bé vàng" mang lại cho Argentina thêm một chức vô địch World Cup nữa. Ngày tháng ngắn ngủi ấy ở Mỹ vốn dĩ đã quá mong manh cho một giấc mơ, cuối cùng chỉ còn là một dấu chấm hết, rất buồn.
Phải 14 năm sau, Maradona mới quay trở lại, để trở thành HLV của Argentina, với hy vọng một chương khác lại được mở ra. Chương ấy có được mở hay không, chúng ta cũng đã quá rõ.
Diego Maradona trả nợ cho "bàn tay của Chúa"
Trước thời điểm của vụ thử doping dương tính 4 năm, Argentina vào trận chung kết lần thứ 2. Tiếng còi của trọng tài ở phút 84 mang lại cho Đức quả phạt đền mà Andreas Brehme đã tận dụng tốt cơ hội trời cho ấy vẫn còn để lại tranh cãi nhiều năm sau.
Hình ảnh Maradona đứng khoanh tay, với chiếc huy chương bạc trước ngực và cố nén để dòng nước mắt không trào ra còn lưu lại trong trí nhớ rất nhiều người.
Có lẽ, dòng nước mắt chực chờ bung trào của năm 1990 và cú ngã 1994 của Maradona là thứ mà anh phải trả, cho bàn tay năm 1986, bàn tay đã góp phần đưa đội bóng Nam Mỹ ấy lên ngôi vô địch lần thứ 2 trong lịch sử rất dài của mình.
Kể từ năm 1986 ấy tới nay, chưa bao giờ Argentina có thể đón ngôi sao thứ 3 trên ngực áo của mình, dù họ đã trải qua rất nhiều thế hệ tài năng.
Năm 2006, ở Đức, trận tứ kết, trước chủ nhà. Juan Roman Riquelme đá phạt góc để Roberto Ayala băng xuống dứt điểm mở tỷ số. Không ai nghĩ Đức sẽ lội ngược dòng được ở thế trận ấy.
Chỉ còn 18 phút, HLV Jose Pekerman thay Riquelme bằng Esteban Cambiasso. Trước đó một phút, thủ thành Roberto Abbondanzieri cũng buộc phải rời sân vì chấn thương. Leo Franco vào thay Abbondanzieri. Bi kịch bắt đầu từ pha thay Riquelme ấy.
Pekerman chỉ còn một quyền thay người. Phút 79, ông rút Hernan Crespo ra sân nhưng không cho tài năng mới nổi Lionel Messi vào thay. Ông dùng Julio Cruz. Một phút sau Miroslav Klose gỡ hòa cho Đức.
Cuộc chiến kéo dài thêm hai hiệp phụ và ở loạt luân lưu, Ayala và Cambiasso thất bại. Argentina về nước trong nhiều tiếc nuối. Nếu họ thắng Đức, có thể kết cục ở 2006 sẽ rất khác, hoàn toàn khác.
Sau này, Pekerman từng kể lại: “Đức quá mạnh trong không chiến, và đó là lý do tôi sử dụng Cruz”. Còn trước những đổ vạ cho rằng mấu chốt của cuộc chơi thay đổi khi Pekerman thay Riquelme, chính HLV Hugo Tocalli, người rất thân với Pekerman, đã nói: “Thực tế, Riquelme bị đau. Chúng tôi biết cậu ấy quá rõ, từ năm 14 tuổi, từ khi cậu ấy còn chơi vị trí số 5 trong đội hình”.
Bốn năm sau đó, Maradona là HLV trưởng. Ở Nam Phi, Argentina khởi đầu không tệ, nhưng cũng chẳng quá xuất sắc. Tứ kết, đối thủ lại là Đức. Và Argentina chỉ trụ được 3 phút.
Thua tan nát 0-4 trước đối thủ truyền kiếp, Argentina ở thời điểm độ chín đội hình đẹp nhất trở thành dấu hỏi kinh ngạc nhất. Người nước ngoài nhận xét rằng “ở vai trò cầu thủ, Maradona là kiến trúc sư tài năng nhất, còn ở vai trò HLV, ông ta ngây thơ đến tuyệt vọng”.
Những dấu mốc buồn của ĐT Argentina
Còn báo chí Argentina, ngược lại với những gì chúng ta vốn nghĩ về họ, là họ không ưa Messi như đồn đoán bậy bạ, họ nhận xét ngắn gọn “lỗi không phải tại Messi. Lỗi tại chính chúng ta cứ rên rỉ thương khóc Diego (Maradona) quá lâu rồi”. Với Argentina, Maradona là ám ảnh thực sự, như một bóng ma của một hình nhân thiên thần.
Bốn năm sau, trong một mùa giải Brazil tan nát đến 1-7 trước Đức ở bán kết, Argentina không thể trả thù người Đức ngay tại Nam Mỹ. Họ đạt thành tích tốt nhất ở World Cup kể từ 1990: về nhì, nhưng về nhì cũng có nghĩa là chẳng có gì.
Dường như cái tên Argentina đã nói lên tất cả. Trong tiếng Italy, nó có nghĩa “bạc, hoặc được làm từ bạc”. Trong tiếng nói của người Argentina trận chung kết 2014, nó chỉ là huy chương bạc. Chấm hết.
Đó là 5 dấu mốc tiêu biểu của bóng đá Argentina kể từ năm 1990 tới nay. 5 dấu mốc: 1990, 1994, 2006, 2010 và 2014. Xen giữa nó là 1998, một năm rất đẹp khi Argentina loại Anh. Nhưng nó cũng chỉ đẹp tới đó mà thôi, trước khi Hà Lan và Denis Bergkamp cho người Argentina hiểu bóng đá châu Âu đã thay đổi thế nào.
Và giữa 1990 với 2014, đã bao nhiêu thế hệ tài năng của bóng đá Argentina xuất hiện. Nào là Diego Simeone, Gabriel Batistuta, Juan Veron, Marcelo Gallardo, Ariel Ortega, Riquelme, Crespo và sau này là Angel Di Maria rồi Messi…
Những nhân tài ấy đủ năng lực để trước mỗi World Cup, họ xứng đáng ở poster quảng cáo của giải đấu như những kẻ mang trọng trách ứng viên vô địch. Nhưng Argentina không vô địch. Vì lý do gì? Đơn giản, vì ở Argentina, bóng đá là nạn nhân của tất cả.
Nếu có một lược sử cho nền bóng đá Argentina, người ta có thể chia nó thành 6 chương xếp lớp gối đầu qua nhau từ những năm 1860 cho tới nay. Mỗi chương ấy là một gương mặt, một hướng đi, một cá tính, một biến động và có lẽ, chương buồn nhất là những ngày đã qua, hay nói đúng hơn là 28 năm qua, kể từ World Cup 1990.
Ở Argentina, bóng đá là nạn nhân của tất cả
Chương đầu tiên là những ngày lập quốc, những ngày khai sinh một quốc gia và cũng từ đó, khai sinh một nền bóng đá bắt đầu biết tách mình ra khỏi ảnh hưởng thuộc địa.
Chương thứ hai, không có chức vô địch thế giới nào, từ năm 1930 cho tới năm 1958, nhưng lại là một trong những chương tuyệt đẹp với những ký ức vàng son của giai đoạn bắt đầu nền bóng đá chuyên nghiệp, đẹp mắt và thiên thần.
Chương thứ ba, từ giai đoạn 1958-1973, là giai đoạn những ngây thơ đã chết. Thứ bóng đá phản bóng đá (anti-futbol) lên ngôi cùng sự nổi lên của bạo lực sân cỏ, của những nhóm ultra được gọi là barra brava.
Chính những barra brava ấy, với cách cổ động máu lửa của mình đã đòi lại được phần nào quyền công bằng cho các đội khách ở giai đoạn nền bóng đá bị lũng đoạn bởi nạn mua trọng tài, dàn xếp tỷ số.
Và chương thứ tư, chương đẹp nhất, từ 1973 cho đến 1990, chương của Mario Kempes, của Diego Maradona, chương của hồi sinh và hy vọng, chương rơi đúng vào giai đoạn kinh tế Argentina tăng trưởng mạnh mẽ đủ để nuôi dưỡng nền bóng đá giàu tài năng của mình.
Hai lần Argentina thoát khỏi chính mình (thoát cái chữ bạc để lên vàng) cũng rơi vào chương này, chương mà rất nhiều người ở các quốc gia khác cũng bắt đầu yêu Argentina đến vô cùng.
Nhưng từ 1990 tới nay thì lại là một chương đen tối dù tài năng đẳng cấp thế giới của họ lúc nào cũng sẵn, thậm chí là dư thừa. Và nếu nhìn vào chương đen tối này, chúng ta sẽ thấy chưa có nền bóng đá chuyên nghiệp nào lại nực cười như thế cả.
Kể từ năm 1991, AFA đã tiếp cận Television Satelital Codificada để bán bản quyền truyền hình cho tập đoàn truyền hình này. Có thể nói Argentina là một trong những quốc gia bán bản quyền truyền hình sớm nhất.
Nhưng cũng từ năm 1990, nền kinh tế Argentina đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống khi giá cả hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn rất nhiều khiến những nhà máy, doanh nghiệp cỡ nhỏ lâm vào tình trạng khó khăn. Và đó chỉ là khởi đầu của bi kịch, một bi kịch của sự mở màn cho đổ vỡ của chủ nghĩa tân tự do trên thế giới ngày hôm nay.
Năm 1994, sự mất giá của đồng peso Mexico trong cuộc khủng hoảng có tên Hiệu ứng Tequilla đã khiến khủng hoảng lây lan ra khắp Nam Mỹ mà Argentina không thể tránh khỏi.
Thất nghiệp tăng cao, đình công kéo dài. Những nhóm "barra brava" không còn đến sân để ủng hộ đội bóng đơn thuần nữa. Thay vào đó, họ gắn liền với hoạt động tội phạm có tổ chức nhiều hơn.
Nếu ký ức tươi đẹp ngày xưa "barra brava" đấu tranh vì quyền lợi CLB, biến sân vận động thành nhà hát thực sự thì bây giờ, họ buôn lậu, bán ma túy, bảo kê hoạt động bán những vật lưu niệm, bãi đỗ xe quanh sân. Bóng đá đã chỉ còn là thứ yếu.
Nhưng đó chưa phải là bi kịch lớn nhất. Năm 2009, trước tình trạng quá nhiều CLB nợ nần đến mức có thể phá sản, AFA tiếp cận Television Satelital Codificada (TSC) để đàm phán về bản quyền gia hạn hợp đồng tới 2014.
AFA muốn có thêm 720 triệu peso để bảo trợ cho các khoản nợ của các CLB. Television Satelital Condificada từ chối. Trước đó họ đã trả 230 triệu peso cho AFA rồi và họ không muốn trả thêm nữa để bóng đá Argentina tiếp tục trên sóng truyền hình cáp TyC.
Ngay lập tức, chính phủ của nữ Tổng thống Cristina Kirchner vào cuộc. Một chào giá 600 triệu peso một năm, cho tới năm 2014. AFA lập tức phá bỏ hợp đồng với TSC để bắt đầu một chương trình mới với chính phủ có tên "Futbol para todos": bóng đá cho tất cả.
Ngày 20/8/2009, Diego Maradona (lại là ông), ngồi cùng Chủ tịch AFA Julio Grondona và Tổng thống Kirchner trên truyền hình với tuyên bố: “bóng đá Argentina từ nay miễn phí trên truyền hình toàn quốc”.
Chủ tịch Boca Juniors khi ấy, và là đương kim tổng thống Argentina hôm nay, ông Maurocio Macri đã phát biểu khi ấy rằng “bóng đá nên tách rời ra khỏi chính trị. Cái cách chính phủ bảo trợ bóng đá như thế cuối cùng cũng chỉ là dùng bóng đá để tuyên truyền (propaganda)”.
Còn cựu danh thủ Veron thì nhận xét “nếu chính phủ thích bóng đá và cung cấp nó miễn phí thì tốt thôi. Nhưng thú thực, đừng có ủng hộ bóng đá bằng mọi giá, khi mà tiền ấy xây bệnh viện và trường học thì tốt hơn”.
Messi cũng không thể giúp ĐT Argentina
Bóng đá Argentina từ chuyên nghiệp rất sớm đã rơi vào bao cấp (trá hình) ở vào thế kỷ 21 theo cách như thế, một cách mà người ta gọi là đòn dân túy của bà Kirchner. Cơ bản, việc quan tâm đến bóng đá của bà chẳng qua để phản công lại Grupo Clarin, một tập đoàn truyền thông vốn chống lại bà Kirchner.
Bà hy vọng bóng đá miễn phí sẽ ru ngủ những người thất nghiệp, những nông dân đang không thu lợi suất tốt nhất từ mùa màng khi chính sách tăng thuế xuất khẩu lúa mì của bà để ép giá lúa mì trong nước đã biến Argentina từ nước xuất khẩu lúa mì thứ 3 thế giới tụt xuống thứ 10.
Và các CLB Argentina đã chết theo cách được bơm tiền kiểu đó. Hoạt động thương mại của CLB đình trệ, doanh thu của CLB chỉ còn phụ thuộc vào đúng một chuyện: chuyển nhượng cầu thủ sang châu Âu.
Nhưng trong hoàn cảnh nguồn thu không còn sung mãn như xưa, công tác đào tạo của các CLB cũng giảm sút và Argentina không còn là nguồn xuất khẩu cầu thủ béo bở như Bỉ, Pháp như ngày xưa nữa.
Và khi hoạt động thương mại của CLB không còn nhộn nhịp nữa, những nhóm "barra brava" cũng bắt đầu thò tay vào các vụ chuyển nhượng. Chỗ nào có tiền, chỗ đó có "barra brava" mà. Đỉnh điểm là vụ chia rẽ ở nhóm "barra brava" của River Plate có tên "Los Borachos del Tablon" sau khi thủ lĩnh Luis Pereyra bị bắt vì cáo buộc giết người.
Hai nhân vật cộm cán là Adrian Rousseau và Alan Schlenker đã gây chiến giành ảnh hưởng. Kết cục là 2 trận chiến lớn có tên trận Quinchos và trận Playon. Gonzalo Arco, cánh tay phải của Rousseau bị bắn chết. Sau này, nhiều nghi vấn được đặt ra rằng vụ thủ tiêu này liên quan đến chuyện ăn chia tiền bán Gonzalo Higuain sang Real Madrid.
Với một nền bóng đá trì trệ như thế, chúng ta có thể hiểu rằng tại sao Lionel Messi không cách nào dẫn dắt đội tuyển Argentina đi tới cái đích cuối cùng ở World Cup. Bóng đá Argentina được cấu thành từ chủ nghĩa cá nhân và lối chơi cảm hứng rực lửa.
Thứ bóng đá Messi học được từ Barcelona là thứ bóng đá vì tinh thần tập thể. Messi hiểu phải dung hòa nó thế nào nhưng khi về lại ĐTQG, thực sự anh khó có thể làm điều đó khi bản thân mỗi danh thủ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng của một nhóm barra brava nào đó. Và kết quả, anh phải quay trở về với chủ nghĩa cá nhân, thứ mà anh càng cố gắng bao nhiêu, thất bại trong màu áo đội tuyển càng lớn bấy nhiêu.
Có nhiều lý giải vì sao Higuain, Paulo Dybala hay Giovani Lo Celso không được trọng dụng ở World Cup vừa rồi. Thậm chí, chuyện Aguero vào sân hay không cũng phải đợi HLV hỏi ý kiến Messi.
Chúng ta có thể nghĩ Messi quyền lực đen hay định lật đổ Sampaoli nhưng chúng ta cũng nên hiểu, Messi chưa chắc đã chơi tốt hơn nếu cầu thủ anh đưa vào sân không thuộc dây barra brava với mình.
Nhắc đến bóng đá Argentina, hôm nay người ta vẫn còn nói đến Marcelo Bielsa. Vậy thì tại sao ông chưa quay lại ĐTQG để cứu vớt nó. Bielsa có nói một câu rất hay, rằng “mọi ý tưởng bạn nói ra trong mắt người khác, chỉ là thứ suy nghĩ của thằng điên, cho đến khi nào bạn thành công thì mới khác được”.
Vâng, Bielsa, một thiên tài được những Pep Guardiola, Mauricio Pochettino, Jurgen Klopp… tôn làm bậc thầy, vẫn bị gọi là kẻ điên (El Loco) ở chính quê hương mình. Vậy là chúng ta đủ hiểu nền bóng đá ấy rối rắm đến mức nào rồi.
Lịch thi đấu và kết quả của vòng knock-out World Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |