Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một số đối tác Apple vẫn đang tập trung vào chuỗi cung ứng AirPods ở Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia. |
Thời gian qua, Apple đã yêu cầu các đối tác chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ. Đây được xem là bước tiến của quốc gia Nam Á trong nỗ lực trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, Nikkei Asia đánh giá.
Mặt khác, động thái của Apple cũng cho thấy hãng đang dần rút khỏi Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường này, hạn chế ảnh hưởng của lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị Mỹ - Trung.
Apple nâng cao sức ảnh hưởng tại Ấn Độ
Cụ thể, theo một nguồn tin nội bộ, Táo khuyết đã thảo luận với các đối tác cung ứng về việc tăng cường sản xuất ở Ấn Độ sớm nhất và vào năm tới, bao gồm các thiết bị âm thanh trọng điểm.
Trong đó, Foxconn, đối tác chính của Apple, đang chuẩn bị gia công tai nghe Beats ở Ấn Độ, đồng thời mong muốn sẽ có thể sản xuất thêm cả AirPods trong tương lai. Trong khi đó, Luxshare Precision Industry, hãng cung ứng linh kiện Trung Quốc cho Táo khuyết, cũng dự tính sẽ xây dựng nhà máy gia công AirPods ở quốc gia Nam Á.
Apple đang tìm cách thoát khỏi Trung Quốc, xây dựng nhà máy sản xuất ở các quốc gia khác. Ảnh: Nikkei Asia. |
Tuy nhiên, nói với Nikkei Asia, Luxshare cho biết hiện công ty vẫn đang tập trung vào chuỗi cung ứng AirPods ở Việt Nam. Do đó, hãng sẽ mất nhiều thời gian để chuyển nhà máy sang Ấn Độ so với các đối thủ khác.
Theo Nikkei Asia, AirPods là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple được sản xuất với số lượng lớn bên ngoài Trung Quốc. Dây chuyền sản xuất thiết bị này đã được chuyển sang Việt Nam từ năm 2019 giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Mỗi năm có hơn 70 triệu tai nghe AirPods được xuất khẩu. Con số này chỉ xếp sau sản lượng iPhone, sản phẩm chủ lực của Táo khuyết. Bên cạnh đó, từ năm ngoái, hầu hết tai nghe Beats cũng được gia công tại Việt Nam, nguồn tin nội bộ nói với Nikkei Asia.
Trang tin nhận định việc chuyển khâu gia công tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ sẽ giúp mở rộng sức ảnh hưởng của Apple tại quốc gia này.
Trước đó, hãng công nghệ mới chỉ sản xuất một vài mẫu iPhone đời cũ từ năm 2017 với các đối tác nhỏ như Wistron. Tuy nhiên, kế hoạch đã thay đổi và hãng công nghệ bắt đầu đẩy mạnh sản xuất thiết bị tại Ấn Độ từ năm 2021.
Vào thời điểm đó, các thiết bị được gia công tại Ấn Độ chỉ đủ để phục vụ thị trường nội địa. Nhưng hiện nay, Apple dự tính biến quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất chiến lược, có thể xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu.
Tiềm năng của Ấn Độ
Ấn Độ đang giữ một vai trò quan trọng trong ngành sản xuất thiết bị điện tử, bao gồm sản xuất điện thoại thông minh hay điện thoại phổ thông.
Năm 2021, số thiết bị sản xuất tại Ấn Độ đã chiếm 16% thị phần toàn cầu, tăng mạnh so với con số 9% vào năm 2016. Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc đã giảm từ 74% xuống chỉ còn 67% vào năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch và chiến tranh thương mại.
Theo Nikkei Asia, chính phủ quốc gia Nam Á cũng dự tính chi 30 tỷ USD nhằm củng cố chuỗi cung ứng thiết bị điện tử của mình, từ linh kiện bán dẫn, màn hình cho đến gia công sản phẩm công nghệ. Điều này sẽ giúp thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Trong đó, Foxconn, một trong những đối tác quan trọng của Apple, đã mở rộng khâu sản xuất của mình sang Ấn Độ. Nhà sản xuất linh kiện theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã xây dựng nhà máy tại quốc gia này từ năm 2015 với trọng tâm là bang Andhra Pradesh và Tamil Nadu. Tương tự, Pegatron cũng sản xuất iPhone ở Tamil Nadu và Luxshare dự tính sẽ xây dựng chuỗi cung ứng của mình tại đây.
Nhiều sản phẩm của Apple được sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam như iPhone, AirPods, iPad... Ảnh: Nikkei Asia. |
Nói với Nikkei Asia, Joey Yen, nhà phân tích của IDC, cho biết Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia sản xuất thiết bị điện tử trọng điểm ngoài Trung Quốc.
“Ấn Độ đang học theo thành công của Trung Quốc, đồng thời sở hữu tiềm năng để trở thành nhân tố chủ lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, chuyên gia nhận định. Theo Joey Yen, lợi thế của quốc gia này là có lực lượng nhân công dồi dào và đội ngũ kỹ sư trẻ, đầy triển vọng cùng với thị trường nội địa rộng lớn.
Có thể thấy, kế hoạch đầu tư hỗ trợ mảng sản xuất thiết bị của chính phủ Ấn Độ đã thu trái ngọt. Theo bà, chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã buộc các công ty công nghệ tìm kiếm các quốc gia thay thế. Trong đó, Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng phát triển.
“Tuy nhiên, vẫn còn rất lâu nữa để quốc gia này có các chính sách rõ ràng và hoàn thiện chuỗi cung ứng”, chuyên gia nhận định.