Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Apple, từ công ty sắp phá sản thành thương hiệu hàng đầu

40 năm qua, từ một công ty suýt phải phá sản, Apple đã vươn lên trở thành thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới.

Ngày nay, người dùng vẫn xem các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, MacBook là những thiết bị vừa có tính công nghệ cao lại vừa trẻ trung, thời trang. Thế nhưng, có một thực tế là Apple đã không còn trẻ trung như những gì họ làm ra nữa.

Được sáng lập bởi Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne, vào ngày 1/4/1976, công ty có biệt danh "Táo khuyết" chính thức tròn 40 tuổi.

Apple hiện là công ty có giá trị lớn nhất trên thế giới và cũng không nhiều người biết rằng, họ từng là công ty suýt bị phá sản. Trong suốt thời gian kể từ khi thành lập, Apple đã trải qua rất nhiều thăng trầm, sóng gió và thành công ngày hôm nay là nhờ những triết lý kinh doanh mà họ đặt ra cho riêng mình.

Ngay từ những ngày đầu, nhà sáng lập Steve Jobs đã tập trung vào chiến lược để giúp công ty nổi bật trong đám đông các doanh nghiệp khác: Tạo ra các sản phẩm có thiết kế tối giản, thân thiện với người dùng.

"Thiết kế là ưu tiên hàng đầu của Apple trong quá trình phát triển sản phẩm. Đó là một concept thiết kế đơn giản, tập trung vào người dùng. Hãy làm sao sản phẩm bóng bẩy, bắt mắt, đừng làm phức tạp nó và làm cho một thứ gì đó bị trùng lặp nhiều lần", Giám đốc điều hành Daniel Martinage của Hiệp hội Thiết kế Công nghiệp Mỹ nhận định.

Triết lý đó đã giúp các sản phẩm của Apple được người dùng trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt. Những chiếc iPhone, iPad khi mới ra mắt luôn nhận được những tràng pháo tay không ngớt.

Gần đây nhất, Apple vừa công bố một loạt sản phẩm bao gồm iPhone SE và iPad Pro 9,7 inch. Dù sự háo hức mà người dùng dành cho iPhone, iPad không còn cao như trước, nhưng có thể nói sản phẩm của Apple vẫn có được sự tinh tế, chuẩn mực mà nhiều đối thủ sau nhiều năm cố gắng vẫn không đạt tới.

Con đường thành công của công ty, như đã nói, không phải đều trải toàn hoa hồng. Steve Jobs rời Apple năm 1985 và những năm tháng sau sự ra đi này được đánh giá là thời kỳ khủng hoảng khiến Apple từng suýt phá sản.

Nhiều sản phẩm thất bại của Apple cũng ra đời trong thời gian này. Chiếc PDA có tên Newton ở ảnh dưới là một ví dụ. Là một trong những mẫu máy tính bảng đầu tiên trên thế giới và được sản xuất, kinh doanh trong vòng 11 năm trời nhưng nó chưa bao giờ thu được thành công. Khi Jobs quay trở lại vào năm 1997, thiết bị này mới chính thức bị khai tử. Đây cũng là cột mốc vô cùng quan trọng giúp Apple "hồi sinh", thu được những thành công mỹ mãn như ngày nay.

Jobs quay trở lại và ông đã thực hiện rất nhiều thay đổi tại công ty, loại bỏ các rào cản của sự phát triển, tập trung vào thiết kế sản phẩm để tạo ra những thiết bị đột phá như iPhone, iPad.

Chiếc iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007 và được xem là sản phẩm đã làm thay đổi định nghĩa smartphone thời bấy giờ: Smartphone sẽ phải là màn hình cảm ứng rộng, đa chạm, dễ dùng, có kho ứng dụng, kết nối Internet... những thứ mà các smartphone trước đó đến từ BlackBerry hay Microsoft không có được. Tương tự iPhone, iPad và MacBook cũng được xem là những thiết bị đã "định nghĩa lại" khái niệm về máy tính bảng và laptop.

Đâu là con đường đi tiếp theo của Apple? Nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi rằng liệu Apple còn có thể tiếp tục tăng doanh số bán iPhone theo hàng năm hay không. Công ty hiện đối mặt với rất nhiều đối thủ, cả truyền thống như Samsung, hay mới nổi như Xiaomi.

Samsung cạnh tranh rất gay gắt với Apple ở phân khúc smartphone cao cấp với dòng Galaxy S có hiệu năng, tính năng không hề thua kém; trong khi ở thị trường tỷ dân Trung Quốc, Apple bị Xiaomi cạnh tranh bằng các mẫu điện thoại Android cấu hình cao giá rẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường smartphone hiện đã bão hòa và sẽ khó có sự phát triển đột biến trong thời gian tới.

"Miễn là họ giữ được sự tập trung, nhiều khả năng Apple vẫn giành được sự tin tưởng của người dùng. Trong nhiều năm qua, việc sở hữu một chiếc điện thoại hay máy tính của Apple là điều rất tuyệt vời và Apple đã chứng minh rằng sản phẩm của họ xứng đáng với những lời khen ngợi", Giám đốc điều hành Daniel Martinage của Hiệp hội Thiết kế Công nghiệp Mỹ nhận định.

Quỹ đầu tư của Ả-rập Xê-út đủ mua Apple, Google, Microsoft

Ả-rập Xê-út dường như đang chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên dầu mỏ của mình bằng cách tạo ra quỹ đầu tư “lớn nhất thế giới” trị giá 2.000 tỷ USD.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/apple-tu-cong-ty-sap-pha-san-thanh-thuong-hieu-hang-dau-the-gioi-nhu-the-nao-136796.ict

Theo NT/ITC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm