Bộ 3 iPhone 11, 11 Pro và 11 Pro Max có giá bán chính hãng lần lượt 22 triệu đồng, 31 triệu đồng và 34 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng tại Việt Nam có thể mua được các sản phẩm này với mức giá rẻ hơn vài triệu đồng so với giá niêm yết của hãng.
Những năm gần đây, mỗi khi bán ra thiết bị di động cao cấp, các đại lý đều tặng kèm nhiều phần quà giá trị nhằm thu hút người dùng. Chương trình này thường chỉ áp dụng cho những khách hàng đặt trước.
Tại các hệ thống lớn, khách hàng mua iPhone 11 chính hãng được tặng kèm nhiều phần quà giá trị hoặc phiếu mua hàng. |
Trong năm nay, với bộ ba iPhone 11, ngay cả khi đã hết chương trình đặt trước, người mua vẫn nhận được một số phần quà tặng kèm hoặc phiếu mua hàng trị giá 1-2 triệu đồng (có hỗ trợ trừ vào giá bán).
"Mức giá niêm yết do hãng đề xuất và các đại lý có quy mô lớn chịu sự kiểm soát này khá chặt chẽ. Những năm trước, các chương trình khuyến mại cho khách hàng mua iPhone khá ít, gần như không có. Tuy nhiên, năm nay, Apple dường như hiểu hơn về tâm lý của người dùng Việt, thích mua hàng giảm giá, có tặng quà nên đã 'thả lỏng' hơn cho các đại lý", đại diện một hệ thống bán lẻ lớn chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, một số hệ thống bán lẻ có quy mô nhỏ hơn đã chọn cách trừ tiền trực tiếp vào giá bán sản phẩm thay vì tặng quà cho khách hàng. Đây là điều hiếm khi xảy ra trước đây bởi nó có thể ảnh hưởng đến chính sách định giá sản phẩm của hãng.
Theo đó, iPhone 11 64 GB hàng chính hãng được chào bán với giá 19,5 triệu đồng. Mức giá này chỉ cao hơn 600.000 đồng so với máy xách tay từ thị trường Mỹ có cùng dung lượng. Phiên bản cao nhất là iPhone 11 Pro Max 512 GB có giá 40,5 triệu đồng, thấp hơn 3,5 triệu đồng so với giá niêm yết.
"Trước đây, Apple gần như không cho phép các đại lý tự ý điều chỉnh giá bán sản phẩm. Thậm chí, điều đó có thể khiến hệ thống bị hãng từ chối hợp tác. Tuy nhiên, trong 1-2 năm gần đây, Apple đã 'dễ tính' hơn hẳn. Các đại lý cũng thoải mái hơn trong việc tổ chức chương trình khuyến mại để thu hút người dùng", ông Nguyễn Huy Tân đại diện truyền thông hệ thống bán lẻ khác chia sẻ.
iPhone 11 64 GB hàng chính hãng có giá cao hơn 600.000 đồng so với máy xách tay cùng dung lượng. |
Giá bán của iPhone 11 chính hãng hiện không còn nhiều chênh lệch so với hàng xách tay. Đây không còn là điểm mạnh của loại hàng này khi so với máy chính hãng. Trong khi đó, chế độ bảo hành, hậu mãi của hàng chính hãng tốt hơn hẳn.
Cuối tháng 7, Apple đã đưa ra chính sách yêu cầu người dùng phải trình hóa đơn mua hàng gốc khi bảo hành tại các đơn vị cung cấp dịch vụ ủy quyền. Chính sách này ngay lập tức khiến các mặt hàng như MacBook và iPad xách tay gặp khó, bởi người dùng rất khó tìm được hóa đơn mua hàng gốc khi mua lại của cửa hàng hoặc người dùng khác.
Gần đây nhất, hàng loạt iPhone tại Việt Nam bất ngờ bị khóa từ xa bằng một tài khoản iCloud lạ. Trao đổi với Zing.vn, nhân viên hỗ trợ từ Apple cho biết hãng sẽ hỗ trợ mở khóa tất cả iPhone, không phân biệt hàng chính hãng hay xách tay. Tuy nhiên, công ty yêu cầu người dùng cung cấp hóa đơn mua hàng để chứng minh bản thân là chủ nhân của máy.
Trong khi đó, iPhone khóa mạng đã gần như “bay màu” trên thị trường. Thậm chí, nhiều cửa hàng đã ngừng kinh doanh loại máy này từ hơn nửa năm nay. Nguyên nhân chính đến từ việc Apple đã chặn đa số SIM ghép.
Trên các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng iPhone lock, nhiều người dùng cho biết thiết bị của họ thường xuyên bị rớt mạng dù điện thoại vẫn hiển thị đầy đủ vạch sóng, không thể sử dụng được 4G. Đến nay, vẫn chưa có loại SIM ghép nào có thể giúp iPhone lock hoạt động ổn định như trước.
Có thể thấy, Apple đang ngày cạnh mạnh tay hơn với người dùng iPhone xách tay. Nó cũng thể hiện rõ tham vọng của hãng khi muốn tận diệt loại hàng này khỏi thị trường di động Việt Nam.
Mỗi đợt iPhone mở bán ở Singapore, không khó có thể bắt gặp hình ảnh người Việt Nam xếp hàng trước cả ngày để mua được những chiếc iPhone sớm nhất.
Tuy nhiên, chính sự tồn tại của thị trường hàng xách tay đã làm ảnh hưởng tới những đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng tại Việt Nam. Đó là lý do Apple đang thực hiện một số động thái để hướng người dùng mua hàng chính hãng trong thời gian qua.
Năm 2018, Apple chọn Thái Lan để mở Store. Ảnh: Apple. |
"Dĩ nhiên là Apple có những chính sách hỗ trợ các đại lý chính thức như chúng tôi, còn cụ thể như thế nào thì xin phép không chia sẻ. Apple có cách làm và lộ trình rõ ràng, theo cách của họ", ông Mai Triều Nguyên, đại diện một hệ thống bán lẻ tại TP.HCM, cho biết.
Năm 2018, khi chia sẻ với Zing.vn về lý do Việt Nam chưa có Apple Store, một cựu quản lý cấp vùng tại Việt Nam cho biết một phần lý do là hệ thống cửa hàng bán lẻ chính thống vẫn chưa mạnh.
"Còn lâu lắm mới có Apple Store ở Việt Nam. Họ phải 'thắp sáng' thị trường qua các kênh AAR và APR (đại lý ủy quyền cấp 1 và 2 - PV) để thay thế hàng xách tay", vị cựu quản lý cấp vùng cho biết.