Ngày 15/12 vừa qua, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ các CEO công nghệ để bàn về các vấn đề kinh tế, việc làm, thuế và các hiệp định thương mại với Trung Quốc. Cuộc họp này được cho là "oái ăm", vì mọi nhân vật trong đó từng công khai chỉ trích nhau trước khi Trump trúng cử.
CEO Apple Tim Cook (bìa phải) sẽ phải nhượng bộ tân Tổng thống Donald Trump, dù trước đó đối đầu gay gắt. Ảnh: The New York Times. |
Về phần Tim Cook, ông từng hỗ trợ gây quỹ cho bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào ghế Nhà Trắng. Mối quan hệ của ông với vị tân tổng thống cũng không mấy tốt đẹp khi Donald Trump từng chỉ trích Apple vì trốn thuế, không sử dụng nhân công tại Mỹ hay từ chối hợp tác hỗ trợ FBI điều tra vụ án liên quan đến chiếc iPhone 5C bị khoá.
Tuy nhiên, ngày 19/12 vừa qua, nhân viên Apple nhận được lời giải thích từ CEO Tim Cook lý do ông tham dự cuộc họp với Donald Trump. Theo đó, cá nhân ông cho rằng "đứng ngoài cuộc không phải là cách tốt để thành công".
Xét ở góc độ trách nhiệm doanh nghiệp, Apple của Tim Cook đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như quyền riêng tư của người dùng, môi trường, năng lượng sạch và việc làm. Đây cũng là những mặt trái đằng sau lợi nhuận khổng lồ của táo khuyết.
Ngoài ra, hãng còn muốn đạt được giải pháp hạn chế những vụ kiện tụng khởi nguồn từ những cá nhân “không làm việc như một công ty” liên quan đến sở hữu trí tuệ hay bằng sáng chế. Để được hỗ trợ trong các vấn đề trên, Tim Cook cho rằng cách tốt nhất là thỏa hiệp với Trump.
“Cách tốt nhất để chúng ta giải quyết vấn đề là phải xắn tay áo vào. Dù chúng xảy ra ở nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Nam Mỹ, chúng ta đều tham gia giải quyết. Chúng ta tham gia khi đồng tình với chính phủ hoặc cả khi không đồng tình với họ, chỉ như thế mọi thứ mới có thể thay đổi”, Tim Cook viết trong bức thư gửi đến toàn thể nhân viên.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp, Tim Cook còn nói với Trump rằng ông muốn thảo luận về những việc Apple có thể làm để giúp vị tân tổng thống đạt được những mong muốn của mình.
Những câu nói đầy ẩn ý trong bức tâm thư của Tim Cook có thể nảy ra khả năng Apple sẽ mềm mỏng hơn với những yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Không loại trừ khả năng hãng sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone về lại Mỹ để giải quyết vấn đề việc làm theo ý ông Trump, đồng thời có sự thay đổi về chính sách quyền riêng tư để hỗ trợ chính phủ trong trong những trường hợp đặc biệt.
Nếu "nương theo chiều gió", Apple được hứa hẹn cắt giảm thuế và nhiều ưu đãi khác từ chính quyền mới của ông Donald Trump, nhưng chi tiết về những lợi ích này chưa được Tim Cook đề cập đến.