Rất nhiều nhà phân tích và những người theo dõi Apple từng nhận định, iPhone 5C sẽ có mức giá dễ chịu nhằm thu hút đối tượng người dùng mới tại các thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều người đã vỡ mộng sau màn ra mắt hôm 10/9. iPhone 5C có giá bán 99 USD kèm 2 năm hợp đồng tại Mỹ, và 549 USD dành cho bản mở mạng.
Tại Trung Quốc, nơi các nhà mạng không cung cấp hợp đồng đi kèm với máy, iPhone 5C có mức giá cao ngất ngưởng, lên đến 730 USD.
Trên thực tế, Apple vẫn gần như không thay đổi chiến lược của mình. Hãng này vẫn có truyền thống hạ giá khoảng 100 USD cho mẫu iPhone cũ sau khi iPhone mới ra mắt trong vài năm qua. Do đó, iPhone 5C chỉ được xem như là một sản phẩm thay thế chiếc iPhone 5, vốn đã có một năm tuổi đời.
iPhone chưa bao giờ là một sản phẩm chi phí thấp, nhưng đúng như Apple thú nhận, iPhone 5 là chiếc iPhone đắt nhất họ từng sản xuất (tính theo chi phí linh kiện). Trong khi đó, những dòng iPhone đời cũ hơn (iPhone 4, 4S) vẫn chiếm đến 1/2 doanh số của hãng, theo báo cáo của CIRP. Do đó, “khai tử” chiếc iPhone 5 là một hành động hợp logic.
Trên thực tế, Apple không cho sản phẩm này biến mất hoàn toàn, mà thay thế nó bằng một sản phẩm mới là iPhone 5C. Chỉ riêng việc chuyển từ vỏ nhôm (trên iPhone 5) sang vỏ nhựa (iPhone 5C), Apple đã tiết kiệm được khoảng 17 USD cho mỗi một sản phẩm, theo thống kê của Morgan Stanley.
Apple cũng có lý do để tự tin rằng, iPhone 5C vẫn sẽ có doanh số ngang ngửa, thậm chí cao hơn hẳn iPhone 5 bởi 2 yếu tố: vỏ nhựa giúp máy bền và miễn nhiễm với những va chạm, và những màu sắc sặc sỡ của máy có thể thu hút khá nhiều đối tượng người dùng trẻ.
Có một điểm khá hay là nếu như Apple tiếp tục áp dụng chiến lược hiện tại, iPhone 5S có thể sẽ tiếp tục bị khai tử vào năm 2014. Khi đó, Apple sẽ cho ra mắt một mẫu "iPhone 5SC" nào đó, dùng vỏ nhựa để thay thế nó, trong khi iPhone 6 sẽ là sản phẩm cao cấp nhất. Như vậy, Apple sẽ lập ra một trật tự mới mà ở đó, iPhone 5C và mẫu thay thế iPhone 5S sẽ thực sự là các sản phẩm “dưới tầm” so với mẫu iPhone 6.