Ông Antonio Viana, một quan chức cấp cao của ARM Holdings, bình luận rằng Apple cần hành động ngay để đối phó với đà chững lại của thị trường smartphone cao cấp cũng như với sự trỗi dậy của smartphone giá rẻ. Nếu còn chần chừ, sức ép mà hãng này phải đối mặt là "cực kỳ lớn".
Theo lời ông Antonio thì tốc độ tăng trưởng của phân khúc smartphone cao cấp sẽ chậm hơn hẳn so với các phân khúc khác, chỉ còn khoảng 4% từ nay đến năm 2018, so với 14% của smartphone trung cấp và 17% của smartphone bình dân. Tất nhiên, smartphone cao cấp sẽ vẫn bán tốt tại Bắc Mỹ, nhưng ở các thị trường khác trên toàn cầu, Apple sẽ phải đối đầu với điều mà Antonio gọi là "cơn lũ điện thoại giá rẻ".
"Họ đang tự tin, nhưng rất sớm thôi, họ sẽ cảm thấy sức nóng. Họ sẽ cần phải làm điều gì đó", vị Chủ tịch Phát triển toàn cầu, kiêm Phó chủ tịch điều hành ARM Holdings này khẳng định như đinh đóng cột. Hơn nữa, đại cừu địch của Apple là Samsung lại đang làm cực kỳ tốt việc "mở rộng danh mục sản phẩm và bành trướng sang các thị trường mới".
ARM Holdings là hãng phát triển các công nghệ chip di động và bán giấy phép cho những tên tuổi như Qualcomm, Samsung sản xuất chip. Đại đa số smartphone và tablet hiện nay đều dùng con chip do ARM thiết kế ra. Ngay cả dòng vi xử lý A-series của Apple (như A6 của iPhone 5s) cũng sử dụng cấu trúc ARM.
Ở những nước phát triển như Mỹ, gần như tất cả những ai muốn dùng smartphone thì đều đã sở hữu ít nhất một máy. Thị trường máy tính bảng cũng có dấu hiệu bão hòa tương tự. Điều này có nghĩa là Apple, Samsung và các hãng khác đều phải nhòm ngó sang những thị trường mới nổi như Trung Quốc để tìm kiếm tăng trưởng. Với việc hợp tác cùng China Mobile, Apple giờ đây đã có được sự hiện diện đáng kể hơn tại Trung Quốc, nhưng đối thủ của họ không chỉ có Samsung, HTC hay LG mà còn cả trăm thương hiệu điện thoại bản địa với mức giá rẻ như cho và thiết kế bắt chước iPhone không thương tiếc.
Trong khi ấy, Apple lại không sản xuất ra những chiếc điện thoại phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân ở các nước phát triển. Khách hàng tại Mỹ thường được nhà mạng trợ giá nếu đăng ký sử dụng dịch vụ trong vòng 2 năm, nhưng ở các nước mới nổi và ngay cả ở châu Âu, người dùng phải trả nguyên tiền cho một chiếc smartphone. Bỏ ra tới 800 USD cho một chiếc iPhone ở Trung Quốc là chuyện dường như chỉ bắt gặp ở giới nhà giàu hay các "fan cuồng" của Apple mà thôi.