Tính năng Stolen Device Protection tạo ra lớp bảo mật thứ hai, khiến kẻ trộm khó sử dụng mật mã hơn. Ảnh; CNBC. |
Apple sắp bổ sung một tính năng bảo mật chưa từng có trong bản cập nhật iOS 17.3 vào tuần tới. Có tên là Bảo vệ thiết bị khi bị đánh cắp (Stolen Device Protection), tính năng này sẽ khiến những kẻ trộm điện thoại không thể truy cập Apple ID và mọi thông tin tài chính được lưu trữ trên điện thoại.
Ở phiên bản iOS hiện tại, chỉ cần biết mật khẩu khóa màn hình, bất cứ ai cũng có thể truy cập hoặc thay đổi dữ liệu cá nhân, thông tin tài chính nhạy cảm.
Nhưng với bản cập nhật này, kẻ trộm phải sử dụng Face ID, Touch ID và có thể phải đợi một giờ để thực hiện một số thay đổi. Mặc dù chưa thông báo cụ thể thời điểm tính năng này sẽ xuất hiện, Apple đã thử nghiệm trong phiên bản iOS beta 17.3 từ tháng 12/2023.
Cụ thể, khi bật Stolen Device Protection, bạn sẽ phải sử dụng Face ID hoặc Touch ID cho một số tác vụ nhất định như đăng ký Apple Card mới, sử dụng các phương thức thanh toán đã lưu, xóa toàn bộ điện thoại hoặc truy cập Chuỗi khóa iCloud.
Nếu muốn tắt Find My, thay đổi mật khẩu Apple ID, thêm khuôn mặt hay dấu vân tay mới, người dùng phải đợi một giờ sau khi xác thực bằng khuôn mặt hoặc dấu vân tay của mình.
Sau thời gian chờ, họ phải tiếp tục xác thực lại bằng Face ID hoặc Touch ID một lần nữa để thực hiện thay đổi. Quy trình phức tạp này sẽ được bỏ qua khi bạn đang ở một địa điểm thường xuyên ghé thăm như nhà riêng hoặc cơ quan.
Nếu thiết bị định vị ở nơi lạ, Stolen Device Protection yêu cầu người dùng xác nhận FaceID nếu muốn thực hiện các hành động nhạy cảm. Ảnh: MacRumors. |
Khi iOS phiên bản mới được cập nhật, người dùng có thể tìm thấy tính năng này bằng cách vào Cài đặt > Face ID & Mật mã > Bảo vệ thiết bị bị đánh cắp. Nó có sẵn cho tất cả các iPhone tương thích với iOS 17.3.
Tính năng bảo vệ mới của Apple là giải pháp cho vấn đề bảo mật nghiêm trọng từng được Wall Street Journal đưa tin vào tháng 4/2023.
Một tên trộm iPhone đã theo dõi mật mã của người dùng iPhone ở những nơi công cộng trước khi đánh cắp thiết bị. Nhờ có quyền truy cập vào mã khóa màn hình, tên trộm nhanh chóng thay đổi mật khẩu Apple ID và sau đó truy cập thông tin nhạy cảm được lưu trữ trong Chuỗi khóa iCloud.
Theo CNBC, Apple từ lâu đã đi đầu công nghệ mã hóa dữ liệu trên iPhone như kẻ trộm không thể truy cập dữ liệu trên iPhone bị đánh cắp mà không biết mật mã của người dùng. Trong trường hợp kẻ trộm theo dõi người dùng nhập mật mã rồi mới đánh cắp thiết bị, Stolen Device Protection sẽ tạo ra một lớp bảo vệ mới phức tạp hơn rất nhiều.
Ngoài Stolen Device Protection, iOS 17.3 còn bổ sung tính năng Danh sách phát cộng tác của Apple Music. Cập nhật này cho phép nhiều người chỉnh sửa danh sách phát trên ứng dụng nghe nhạc và gửi biểu tượng cảm xúc cho các bài hát. Đây là tính năng được phát triển từ lâu nhưng bị trì hoãn đến năm 2024.
Người dùng có thể bật tính năng này bằng cách nhấp vào biểu tượng hình người trong danh sách phát, sau đó được điều hướng sang một đường dẫn. Danh sách cộng tác có thể thêm nhiều người. Mọi người đều có khả năng thêm, sắp xếp lại và xóa bài hát. Tuy nhiên, quản trị viên cũng có quyền phê duyệt yêu cầu thêm bài hát, xóa người bất kỳ và tắt hoàn toàn tính năng cộng tác.
Bên cạnh đó, iOS 17.3 và iPadOS 17.3 cũng đi kèm bộ hình nền Unity Bloom mới của Apple nhằm hỗ trợ cộng đồng da màu. Bản cập nhật dự kiến được công bố vào tuần sau.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn