Một nhóm các nhà xuất bản vào ngày 20/8 đã gửi thư, yêu cầu CEO Apple Tim Cook cho phép họ nhận được thỏa thuận tương đương thỏa thuận với Amazon.
CEO Tim Cook khẳng định Apple đối xử công bằng với mọi nhà phát triển, nhưng thực tế họ có chính sách khác nhau với nhiều nhà cung cấp nội dung. |
Apple không công bằng như Tim Cook nói
Thông thường Apple thu 30% từ các gói dịch vụ bán qua App Store trong năm đầu tiên, và 15% từ năm thứ hai. Tuy nhiên, trong phiên điều trần về độc quyền diễn ra cuối tháng 7, Hạ viện Mỹ đã đưa ra bằng chứng cho thấy Apple đã đồng ý chỉ lấy 15% phí từ dịch vụ Prime Video của Amazon ngay trong năm đầu tiên. Đối với người dùng đã đăng ký dịch vụ qua website Amazon từ trước đó, Apple đồng ý không thu phí.
Sự phân biệt đối xử này khiến cho nhiều đối tác của Apple bất bình, và yêu cầu được hưởng ưu đãi như Amazon.
"Chúng tôi muốn biết các thành viên của chúng tôi, là những công ty cung cấp nội dung rất chất lượng, cần đạt điều kiện gì mới có thể đạt được thỏa thuận như Amazon nhận được với ứng dụng Amazon Prime Video trên App Store", Jason Kint, CEO của tổ chức Digital Content Next viết trong thư gửi Tim Cook.
Digital Content Next đại diện cho nhiều tổ chức tin tức lớn như New York Times, News Corp (công ty sở hữu Wall Street Journal), Wasington Post và Bloomberg.
Bằng chứng do Hạ viện Mỹ công bố cho thấy Apple đưa ra điều khoản ưu ái cho Amazon. Ảnh: House Judiciary Committee. |
Trước đó, vào tháng 4 Apple cho biết tuyên bố một số dịch vụ phát video có thể cung cấp phương thức thanh toán riêng, thay vì thanh toán qua nền tảng của Apple, qua đó không cần phải trả phí cho họ. Một số dịch vụ đã tranh thủ sự ưu đãi này bao gồm Amazon Prime Video, Canal+ và Altice One.
"Chúng tôi đối xử với mọi nhà phát triển như nhau", CEO Tim Cook nói trong buổi điều trần vào tháng 7. Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty đòi được Apple đối xử công bằng, nhận được mức phí và các quy định như các đối tác lớn của Táo khuyết.
Rắc rối có thể đến từ App Store
Bloomberg cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang nghiên cứu rất kỹ các điều khoản, quy định do Apple đưa ra trong vụ điều tra về độc quyền của công ty này. Một trong các quy định bị soi kỹ nhất là việc Apple ép các đối tác cung cấp nội dung phải sử dụng nền tảng thanh toán của mình.
Bộ Tư pháp Mỹ đã phỏng vấn rất nhiều nhà phát triển của Apple của Apple từ giữa năm 2019. Quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục, và cơ quan này chưa đưa ra hạn công bố kết quả.
Epic Games, chủ sở hữu game Fortnite là công ty mới nhất kiện Apple vì mức phí 30% trên App Store. Ảnh: Cnet. |
Đây là một phần trong vụ điều tra độc quyền rộng hơn, nhắm tới những gã khổng lồ trong ngành công nghệ. Trong đó, Google của Alphabet bị điều tra vì thao túng thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Vụ điều tra các chính sách của App Store được cho là đang diễn ra rất nghiêm túc, theo Bloomberg.
Các nhà phát triển được hỏi rất kỹ về quy trình kiểm duyệt ứng dụng của Apple, trong đó Apple sẽ đánh giá ứng dụng và đưa ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối dựa trên một loạt quy tắc của họ.
Mức phí 30% mà Apple thu của các nhà phát triển không phải vấn đề lớn nhất, mà là việc Apple không cho phép các nhà phát triển dùng hệ thống thanh toán khác, mà phải dùng nền tảng của họ.
"Chúng tôi đã nói chuyện với Bộ Tư pháp 2 lần về vấn đề Apple và App Store. Chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình, của các công ty khác, và cho họ thông tin liên lạc của những nhà phát triển không muốn công khai câu chuyện của mình", David Hansson, nhà sáng lập công ty Basecamp nói với Bloomberg.
Trước đó, nghị sĩ David Cicilline, chủ tọa phiên điều trần độc quyền ở Quốc hội Mỹ cuối tháng 7, từng gọi mức phí 30% của Apple là "cướp giữa ban ngày".
Mức phí này cũng gây rắc rối cho Apple trong thời gian qua. Ngày 14/8 Epic Games kiện Apple sau khi game Fortnite, một trong những tựa game nổi tiếng nhất trên di động, bị xóa khỏi App Store.
Epic Games cho rằng hành vi của Apple đã triệt hạ khả năng cạnh tranh, và còn chuẩn bị sẵn một video chế giễu Táo khuyết cùng hashtag #FreeFortnite.
WordPress là nạn nhân mới nhất của Apple. Ảnh: Getty. |
Tới ngày 21/8, tới lượt dịch vụ tạo website WordPress cho biết Apple đã chặn khả năng cập nhật ứng dụng của họ trên iOS vì họ chỉ bán các gói dịch vụ trực tiếp trên website của mình chứ không có tùy chọn mua trực tiếp trong ứng dụng, qua đó Apple sẽ không được nhận phí cho các giao dịch.
Nhà sáng lập WordPress Matt Mullenweg nói với The Verge công ty này sẽ thêm một tùy chọn mua dịch vụ trả tiền thông qua nền tảng thanh toán của Apple trong vòng 30 ngày nữa. Apple sẽ cho phép WordPress cập nhật ứng dụng này trong khi chờ chức năng thanh toán mới.
"Nói cách khác, Apple đã thắng: công ty giàu nhất thế giới đã ép buộc thành công một nhà phát triển phải thu tiền ứng dụng, để họ có thể kiếm tiền từ đó", bài viết của The Verge nhận định.