Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Các thương hiệu Android cố tăng giá điện thoại tầm trung để có lời. Tuy nhiên, kế hoạch không thể thực hiện thuận lợi khi tình hình thay đổi.

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc điện thoại tầm trung tồn tại nhiều sản phẩm, được các thương hiệu Android đầu tư mạnh. Xu thế chung của các dòng điện thoại ở mức giá này là thừa hưởng nhiều tính năng từ máy cao cấp, tập trung vào một số yếu tố nhất định và có vòng đời ngắn, sản phẩm mới liên tục.

Bên cạnh việc cạnh tranh doanh số, đánh chiếm thị phần, các công ty đều tìm cách nâng giá để tiếp cận tệp khách hàng cao hơn. Điều này nhằm mục đích tăng biên lợi nhuận. Tuy vậy, sự thay đổi chính sách của Apple khiến cuộc chiến tầm trung đổi chiều trong tình hình mới.

Thương hiệu Android muốn tăng giá

Với mức thay đổi 500.000-1 triệu đồng mỗi năm, các dòng điện thoại tầm trung chủ lực từ các thương hiệu Android đều đi theo xu hướng tăng giá. Giai đoạn 2017-2018, “tầm trung” được dùng để chỉ các máy giá 5-7 triệu đồng. Hiện tại, phân khúc này nâng lên tầm 7-10 triệu đồng.

“Định hướng chung của các hãng điện thoại Android ở Việt Nam là lấn sân sang phân khúc cao hơn, 7-10 triệu đồng và 10-14 triệu đồng”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS nói với Zing.

dien thoai tam trung anh 1

Vivo ra mắt mẫu V25 mới, giá chạm ngưỡng 10,5 triệu đồng gần đây. Ảnh: Xuân Sang.

Theo ông Huy, điện thoại phổ thông ở Việt Nam trước đây tập trung quanh 2 mốc chính 3-5 triệu đồng và 5-7 triệu đồng. Hiện tại, những khách hàng đang sử dụng máy trung cấp 5-7 triệu đồng của các năm trước có xu hướng muốn mua điện thoại đắt tiền, nhiều tính năng hơn.

Các đại lý trong nước cho biết những sản phẩm ở mức giá này hiện tăng trưởng 3 chữ số so với cùng kỳ. Trong khi ở mức giá 5-7 triệu đồng, thị trường dần chững lại.

Xu hướng này có thể nhìn thấy qua các thương hiệu Android lớn tại Việt Nam như Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo. Dòng Galaxy J hiện được thay thế bằng Galaxy A. Giá thiết bị cũng liên tục tăng trong những năm qua. Hiện chiếc Samsung Galaxy A53 đã chạm ngưỡng 10 triệu đồng, model A73 cao cấp hơn đạt mức 13 triệu đồng.

Tương tự, Oppo đổi dòng F bằng Reno. Đây tiếp tục là một trong những sản phẩm tầm trung thành công nhất ở Việt Nam. Hãng nâng giá Reno từ mức 7 triệu đồng lên mức 9 triệu đồng. Cá biệt, có phiên bản giá cao đến 13, 18 triệu.

Chiến thuật tương tự được phía Xiaomi áp dụng với dòng Redmi Note, Mi Lite, Poco F. Vivo cũng hiện diện ở tầm giá này cùng mẫu V25.

Bán nhiều, lời ít

Các nhãn hàng điện thoại Android, nhất là thương hiệu Trung Quốc phải gánh nhiều áp lực tại thị trường trong nước. Những công ty này có thể đạt mức doanh số, tỷ trọng thị phần tăng theo năm. Tuy nhiên, mức lợi nhuận đạt được không cao bởi chủ yếu bán được máy giá rẻ, phải bù bằng số lượng.

“Ngoài Apple và Samsung đã định vị và doanh số ổn định, các hãng Trung Quốc liên tục muốn đánh chiếm thị phần này để tăng mức giá bán trung bình. Điều này không chỉ vì doanh thu mà còn để dễ có lãi”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Shop nói.

dien thoai tam trung anh 2

Nổi tiếng bằng giá rẻ, biên lợi nhuận của Xiaomi cũng không cao. Ảnh: Xuân Sang.

Trả lời Zing, một vị quản lý cấp cao của công ty smartphone thuộc nhóm 5 thương hiệu lớn nhất Việt Nam cho biết doanh nghiệp này chịu lỗ hàng triệu USD mỗi năm để có thị phần.

“Mục tiêu vẫn là tìm mọi cách chiếm thị phần. Do đó, phải dùng nhiều cách, bao gồm cả đặt giá thấp để tiếp cận khách hàng”, vị này chia sẻ.

Ngoài ra, ngành di động Việt Nam có tính đặc thù, khách hàng quen thuộc với cách mua hàng ngoại tuyến, được tư vấn, trải nghiệm sản phẩm. Do đó, các chi phí “ăn chia” với nhà bán lẻ, truyền thông, quảng cáo đóng vai trò quan trọng. Những khoản này làm đội lên ngân sách của công ty, khiến khoản lỗ sâu hơn.

“Do đó, khi đạt được thành tựu doanh số, công ty nào cũng muốn tăng giá sản phẩm để sớm có lời. Người trong ngành đều biết các hãng từ Trung Quốc đa phần đều đang lỗ”, vị giám đốc nói thêm.

Va phải đối thủ lớn

Tuy nhiên trong năm nay, đà nâng giá của các thương hiệu Android có dấu hiệu chững lại. Sản phẩm dừng ở ngưỡng giá 10 triệu đồng. Các lựa chọn giá cao hơn khó bán, doanh số không đạt như kỳ vọng dù được tập trung nhiều công nghệ, quảng bá rầm rộ.

Ví dụ, một hệ thống lớn chia sẻ rằng mẫu máy giá 18 triệu đồng của Oppo chỉ bán được vài chục chiếc sau chương trình mở bán.

dien thoai tam trung anh 3

iPhone cũ được Apple bán lâu hơn, hạ giá chạm mức tương đương điện thoại Android trung cấp. Ảnh: Engadget.

“Hiện tại, 7-10 triệu đồng là phân khúc có tính cạnh tranh cao. 10-14 triệu đồng sẽ là câu chuyện của vài năm nữa. Quá trình tăng giá có thể chậm lại bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh, suy giảm kinh tế khiến sức mua và doanh số đi xuống trong ngắn hạn”, đại diện CellphoneS chia sẻ quan điểm.

Hiện tại, doanh số các dòng điện thoại tầm trung có xu hướng đi ngang, không tăng trưởng. Bảng thống kê các dòng máy bán chạy trong 9 tháng đầu năm tại FPT Shop không có sản phẩm Android trung cấp nào.

“Các hãng Trung Quốc muốn tăng giá, có lời. Nhưng kết quả thực tế không phản ánh được mức tăng trưởng trong giai đoạn khi có sự cạnh tranh của nhiều hãng trong một phân khúc”, ông Nguyễn Thế Kha nói.

Thực tế, trong năm nay, những dòng điện thoại Android tầm trung phải đối mặt với đối thủ mới. Apple thay đổi kế hoạch bán hàng, duy trì vòng đời iPhone dài hơn. Như vậy, đến cuối vòng đời những model như iPhone XR, iPhone 11 chạm mốc 10 triệu đồng, ngang bằng máy Android trung cấp.

Tuy ra mắt lâu, thiết bị từ Apple vẫn được ưa chuộng bởi thương hiệu, chất lượng gia công và phần mềm ổn định. iPhone 11 thuộc nhóm sản phẩm bán chạy nhất tại nhiều đại lý trong 6 tháng đầu năm sau khi được giảm giá.

Tương tự, khi các hãng Android nâng giá lên mức 15-18 triệu đồng, thiết bị phải cạnh tranh với iPhone 12 với màn hình tốt, camera và thiết kế mới. Do đó, chiến lược tăng trung bình giá từ các nhà sản xuất bị chậm lại.

Bài liên quan

Xuân Sang

Bạn có thể quan tâm