Theo danh sách nhà cung ứng vừa được Apple công bố, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong chiếm 51/200 nhà cung ứng lớn nhất cho Táo khuyết trong năm tài chính 2020, tăng 9 công ty so với năm 2018.
Cũng theo danh sách này, Việt Nam có 21 nhà cung ứng cho Apple, trong đó có 7 doanh nghiệp thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc như Luxshare và Goertek, đơn vị sản xuất AirPods từ năm 2020. Trong giai đoạn 2018-2020, lượng nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam tăng từ 14 lên 21.
Các nhà cung ứng trong danh sách chiếm 98% chi phí của Apple dành cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp trong năm tài chính tương ứng. Tuy không tiết lộ số tiền trả cho từng đối tác, báo cáo thể hiện sự phụ thuộc của Apple vào các nhà cung ứng toàn cầu.
Dữ liệu được Táo khuyết công bố thường niên từ năm 2013, trừ 2019 mà không rõ lý do, Nikkei đưa tin.
Trung Quốc trở thành nguồn cung ứng lớn nhất cho Apple trong năm tài chính 2020. Ảnh: Nikkei. |
Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc cung ứng cho Apple
Dựa vào báo cáo, Trung Quốc trở thành nơi có nhiều nhà cung ứng cho Apple nhất. Điều đó cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc của Apple với đối tác Trung Quốc không có nhiều tác động.
Apple được biết đến với các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Việc đối tác Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn trong danh sách cho thấy khả năng sản xuất và công nghệ của các công ty ngày càng cao, bên cạnh chi phí sản xuất cạnh tranh.
51/200 nhà cung ứng lớn nhất cho Apple trong năm tài chính 2020 đặt trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong. Ảnh: Nikkei. |
Chia sẻ với Nikkei, một quản lý chuỗi cung ứng của Apple cho biết hầu hết đơn vị Trung Quốc có cách tiếp cận giống nhau khi ra giá cạnh tranh hơn so với nhà cung ứng tại những đất nước khác. Đại diện này khẳng định hợp tác với Apple là cơ hội để các nhà cung ứng nâng cao chất lượng, trở thành những nhà máy "tốt nhất thế giới".
Không chỉ hoạt động tại Trung Quốc, các nhà cung ứng này còn mở rộng dây chuyền sản xuất sang nhiều quốc gia châu Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, lượng nhà cung ứng cho Apple có trụ sở tại Nhật Bản trong năm 2017 là 43, đến 2018 giảm còn 38 và năm 2020 là 34. Japan Display và Sharp, 2 tập đoàn Nhật trong danh sách đang chịu sự cạnh tranh lớn từ BOE Technology Group và Tianma Microelectronics đến từ Trung Quốc. Trong mảng module máy ảnh, Sharp và Kantatsu đang đối đầu Luxshare và Cowell.
Đài Loan đánh mất vị thế
Giữ vị trí đầu bảng trong hơn một thập kỷ nhưng Đài Loan đang đánh mất vị thế. Trong năm 2020, hòn đảo này có 48 nhà cung ứng cho Apple, thấp hơn so với Trung Quốc và Hong Kong. Năm 2017, lượng nhà cung ứng cho Apple đặt trụ sở tại Đài Loan là 52, còn 2018 là 47.
Foxconn và Pegatron, những đơn vị Đài Loan lắp ráp sản phẩm cho Apple đang chịu sức ép từ các đối thủ Trung Quốc. Sau khi mua lại nhà máy lắp ráp iPhone từ Wistron vào năm ngoái, Luxshare cũng đang kiểm soát Casetek Holdings, đơn vị gia công khung kim loại cho iPhone và MacBook.
Foxconn của Đài Loan đang chịu sức ép cạnh tranh từ các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Inventec, công ty lắp ráp những chiếc AirPods đầu tiên đã đánh mất đáng kể đơn hàng vào tay Luxshare và GoerTek, riêng Luxshare giành được đơn hàng lắp ráp Apple Watch sau khi Quanta Computer rút lui.
Tại Mỹ, lượng nhà cung ứng cho Apple giảm từ 37 (năm 2017) còn 32. Hầu hết công ty trong danh sách như 3M, Corning, Micron, Lumentum và Qualcomm cung ứng chất bán dẫn và linh kiện giá trị cao, khó để thay thế.
Tuy nhiên, Apple vẫn là một trong những công ty tạo ra nhiều việc làm nhất tại quê nhà khi quản lý 2 triệu nhân viên trên khắp 50 bang.
Nỗ lực từ Mỹ bất thành
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt tham vọng giảm phụ thuộc của Mỹ vào các chuỗi cung ứng Trung Quốc, bằng cách áp thuế và đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Cho đến nay, Apple đã cắt đứt quan hệ với một nhà cung ứng Trung Quốc là O-Film Technology, sau khi Washington liệt công ty này vào danh sách đen.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ không có tác động lớn đến Apple và Trung Quốc. Jeff Pu, nhà phân tích của GF Securities, cho rằng các nhà cung ứng Trung Quốc chiếm lợi thế bởi không chỉ gia công cho Apple, họ còn tham gia sản xuất smartphone cho nhiều công ty như như Oppo và Huawei. Pu cho rằng linh kiện điện tử duy nhất mà Trung Quốc chưa bắt kịp là chất bán dẫn.
Apple đang phụ thuộc vào nhà cung ứng từ nhiều quốc gia khác nhau. Ảnh: Getty Images. |
Eric Tseng, nhà phân tích của Isaiah Research cho rằng chi phí và chất lượng là những lý do chính khiến Apple gắn bó với Trung Quốc bất chấp áp lực chính trị.
"Chúng tôi không tìm ra dấu hiệu rõ ràng cho thấy Apple giảm tương tác với nhà cung ứng Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị... Về cơ bản, Apple lựa chọn và đánh giá đối tác dựa trên giá thành. Đó là lý do nhiều nhà cung ứng Trung Quốc, từ Luxshare đến BYD, chứng kiến lợi nhuận tăng trong vài năm qua", Tseng nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng việc chuỗi cung ứng Trung Quốc muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam hay Ấn Độ phản ánh môi trường đầu tư tại Trung Quốc. Chi phí lao động tăng, việc tuyển đủ công nhân làm việc trong mùa cao điểm tại Trung Quốc đang ngày càng khó khăn.