Apple vừa mua lại Emotient, công ty startup từ San Diego với công nghệ nhận diện cảm xúc người dùng.
Theo The Wall Street Journal, một đoạn video trên trang Vimeo của Emotient thể hiện họ có thể nhận ra cảm xúc của một người vào bất kỳ lúc nào theo thời gian thực, bằng cách phân tích các đường nét trên mặt người đó.
Trong một video khác, nhà sáng lập cũng là nhà nghiên cứu trụ cột Marian Bartlett giải thích về cơ chế hoạt động của công nghệ: “Khi bạn nhập vào một tấm ảnh, nó sẽ quét để tìm ra các khuôn mặt. Ngay sau đó, nó bắt đầu các kỹ thuật nhận diện đường nét nhằm đo đạc và xác định những xúc cảm trên khuôn mặt đó”.
Video quảng cáo của Emotient giải thích rằng công nghệ này có nhiều công dụng: các nhà quảng cáo dùng để biết người dùng có cảm nhận gì về sản phẩm hoặc về chiến dịch, các công ty truyền thông dùng để đo lường cách người xem phản ứng với chương trình phim, các nhà bán lẻ dùng chúng để xác định cảm xúc mua sắm của người dùng. Thậm chí, nó có thể được dùng trong y khoa để xác định cảm giác của người bệnh.
Công nghệ này có vẻ khá viễn tưởng và đáng sợ, nhưng rõ ràng Apple nhận thấy tiềm năng của nó.
Apple có thể áp dụng công nghệ này cho nhiều thứ: nền tảng iAd cho phép phân tích người dùng tốt hơn, các nhà bán lẻ có thể dùng nó để phân tích trải nghiệm mua sắm của người dùng tại Apple Store, đội ngũ marketing và bán hàng dùng nó để đo lường mức độ tiếp nhận của công chúng tới các chương trình quảng cáo cụ thể.
Khả năng phân tích cảm xúc cũng hỗ trợ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo khác như Siri hay ứng dụng hình ảnh, như bộ lọc “chỉ thể hiện ảnh vui vẻ” chẳng hạn, hoặc lọc ra các tấm ảnh chỉ có nụ cười.
Trong một email, phát ngôn viên của Apple trả lời: “Mua lại những công ty nhỏ hơn không phải là chuyện lạ với Apple, và theo thông lệ, chúng tôi sẽ không bình luận về mục đích hoặc kế hoạch của mình”.
Ken Denman, CEO của Emotient, cũng không có bất kỳ bình luận gì về thương vụ này.