Nội dung của lần kiện này là việc Apple cáo buộc Qualcomm vi phạm luật Chống độc quyền của Trung Quốc, bên cạnh đó là việc công ty có trụ sở ở San Diego không thực hiện lời hứa cấp phép các bằng sáng chế thiết yếu của họ với giá rẻ. 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 145,35 triệu USD) là số tiền mà Táo khuyết yêu cầu Qualcomm phải bồi thường.
Đáp lại những cáo buộc từ phía Apple, phó chủ tịch kiêm cố vấn Qualcomm ông Dan Rosenberg cho hay: "Những hồ sơ từ công ty con của Apple tại Trung Quốc chỉ là một trong số rất nhiều nỗ lực của họ nhằm chi trả ít hơn cho chúng tôi. Apple đã cung cấp các chứng cứ tương tự như điều khoản thỏa thuận giữa Qualcomm và khoảng 100 công ty Trung Quốc khác”.
Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) từng điều tra Qualcomm về các hành vi vi phạm luật Chống độc quyền, ở đó chính Apple là người đứng đằng sau các cáo buộc. Vụ kiện được giải quyết hồi năm 2015 khi Qualcomm đồng ý mức phạt 975 triệu USD, theo Forbes.
Qualcomm là công ty cung cấp chip hàng đầu thế giới. Ảnh: Appleinsider. |
Hành động pháp lý chống lại Qualcomm tại Trung Quốc lần này xảy ra chỉ một tuần sau khi Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) cáo buộc công ty chip vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh công bằng. FTC cho rằng Qualcomm đã đề nghị Apple sử dụng độc quyền modem không dây của mình để được giảm giá chi phí liên quan tới giấy phép sở hữu trí tuệ.
Vài ngày sau, đến lượt Apple kiện hãng sản xuất chip và đòi bồi thường 1 tỷ USD. Đây là số tiền được Apple khẳng định là phần chiết khấu chip mà Qualcomm đã cố tình giữ lại nhằm trả đũa Apple khi hợp tác với các cơ quan điều tra.
Qualcomm là nhà cung cấp chip hàng đầu trên thế giới. Hầu như bất kỳ smartphone hiện đại nào cũng đều phải trả phí bản quyền cho họ. Trong khi kinh doanh chip chiếm phần lớn doanh thu công ty (23,5 tỷ USD), phí bản quyền lại là nguồn thu lợi nhuận chính của họ.
Qualcomm gần đây nhiều lần bị kiện tụng liên quan đến vấn đề độc quyền trong kinh doanh. Tháng trước, nhà chức trách Hàn Quốc đã yêu cầu Qualcomm nộp phạt 854 triệu USD vì việc cấp bằng sáng chế không công bằng. Ngoài ra, các cơ quan hành pháp tại Liên minh châu Âu và Đài Loan cũng đang tiến hành điều tra công ty này.