Đưa tin về chính số phận của mình, The New York Times thông báo Apple đã gỡ bỏ ứng dụng đọc tin của tờ báo này khỏi App Store Trung Quốc từ ngày 23/12/2016. Những ứng dụng của trang báo quốc tế khác như The Financial Times và The Wall Street Journal chưa bị Apple "sờ gáy".
Đây là động thái đầy bất ngờ của Apple, những không khó để giải thích. Các công ty công nghệ Mỹ đang làm hài lòng chính quyền Trung Quốc nhằm tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới.
The New York Times không còn hiện diện trên AppStore Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
"Hiện ứng dụng The New York Times đã không hiển thị nội dung cho hầu hết người dùng tại Trung Quốc. Chúng tôi thông báo rằng nó đã vi phạm các quy định của địa phương", Fred Sainz, phát ngôn viên của Apple, giải thích lý do loại bỏ ứng dụng của tờ báo uy tín số một thế giới nói chung và Mỹ nói riêng.
Fred từ chối tiết lộ những "quy định địa phương" mà tờ The New York Times vi phạm. Người này cho biết có thể Apple sẽ xem xét lại nếu "tình trạng này thay đổi".
Theo The New York Times, Apple có vẻ đang thực hiện theo quy định ban hành vào tháng 6/2016 về Quản lý Dịch vụ Thông tin trên ứng dụng Internet di động. Quy định này nêu rõ các ứng dụng thông tin không được tham gia vào các hoạt động bị cấm bởi luật pháp, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, gây rối trật tự xã hội và vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong khi đó, tờ Quartz cho rằng The New York Times đã "động vào ổ kiến lửa" khi đăng bài viết nói về việc chính quyền Trung Quốc trợ lực hàng tỷ USD cho Foxconn để sản xuất iPhone cho Apple. Việc tiết lộ những tình tiết này khiến lợi ích của Apple lẫn chính quyền Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.
Văn phòng của The New York Times tại Bắc Kinh cho biết họ không có bất cứ liên lạc vào với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này. Phát ngôn viên của tờ báo tại New York cho biết đã yêu cầu Apple xem xét lại quyết định của mình.
Việc Apple chọn ngả về Trung Quốc không khó để giải thích. Ngay cả Facebook, Google và nhiều công ty công nghệ Mỹ đang ra sức bày tỏ "thiện chí" để tiếp cận hơn 1,2 tỷ người dùng tại đất nước này.
Để được mở Apple Store và bán iPhone một cách danh chính ngôn thuận, Apple đã phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có việc chấp nhận để dịch vụ iBook và iTunes Store bị cấm.