Apple đã tham gia vào thị trường sách nói bằng cách sản xuất audiobook bằng AI. Ảnh: Shutterstock. |
Mới đây, Apple đã âm thầm ra mắt dịch vụ sách nói được thuật lại bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây chính là điềm báo cho thấy cái chết của ngành nghề kể chuyện sách đang đến gần, The Guardian nhận định.
Theo trang tin, chiến lược tích hợp AI vào các đầu sách có sẵn sẽ giúp Apple thay đổi thị trường sách nói vốn ít mang lại lợi nhuận, song, cũng khiến hãng công nghệ nhận thêm nhiều chỉ trích về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tham vọng của Apple trong lĩnh vực sách nói
Trong những năm gần đây, thị trường sách nói đã trở nên bùng nổ khi hàng loạt công ty công nghệ tham gia và cung cấp những dịch vụ liên quan. Doanh số của lĩnh vực này đã tăng 25%, mang lại hơn 1,5 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2022. Các chuyên gia trong ngành còn dự đoán con số này sẽ tăng lên đến 35 tỷ USD đến năm 2030.
Nhận thấy sự tăng trưởng này, Apple đã manh nha tham gia vào mảng sách nói từ giữa tháng 11/2022. Tập đoàn muốn phát triển dịch vụ sách nói riêng của mình thay vì chỉ là bên trung gian, bán sách từ các bên xuất bản như trước đây.
Do đó, với cập nhật mới nhất, mỗi khi sử dụng ứng dụng Sách có sẵn trên iOS, người dùng chỉ cần tìm kiếm cụm từ “sách nói tự động bằng AI” (AI narration) là đã có thể nhận được những đầu sách “được thuật lại bằng giọng đọc kỹ thuật số và dựa trên người kể chuyện là con người”.
Apple đã cho ra mắt mục sách nói AI với một số đầu sách trên Apple Books với nhiều giọng đọc khác nhau. Ảnh: Apple. |
Để làm được điều đó, Apple đã đề nghị hợp tác với những nhà phát hành sách độc lập. Hãng công nghệ cam kết sẽ chịu mọi chi phí sản xuất và các tác giả sẽ nhận được phí bản quyền khi phát hành. Bù lại, họ phải ký thỏa thuận không tiết lộ (non-disclosure agreements) nhằm bảo mật thông tin.
Apple bị tố cạnh tranh không lành mạnh
Trước đó, Apple chỉ bán sách và sách nói thông thường trên ứng dụng Sách. Sự thay đổi gần đây của Táo khuyết sẽ là đòn đánh mạnh vào đối thủ Amazon, ông lớn trong lĩnh vực này với mô hình bán sách thông qua Kindle Direct Publishing và kho sách nói khổng lồ Audible.
Theo The Guardian, không chỉ Apple, Amazon, thị trường sách nói còn nhiều cái tên nổi bật khác như Google, Spotify. Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify từng tuyên bố sẽ mang 300.000 đầu sách nói đến khách hàng nhưng sau đó lại gặp khó với chính sách thu phí của Apple. Táo khuyết đã “chặn đường sống” của Spotify trong mảng kinh doanh sách nói bằng cách thu 30% phí mỗi khi người mua sách trên ứng dụng.
Mới đây, Spotify còn ra mắt website Time to Play Fair, nơi họ bán và phát hành sách nói của mình đến người nghe. Dịch vụ phát nhạc nói rằng Apple đã gây khó dễ cho người dùng trong việc mua sách nói, khiến họ không thể tiếp cận đến những đầu sách hoặc tác giả yêu thích. Spotify khẳng định chính sách của Apple đang ảnh hưởng xấu đến độc giả, tác giả và cả các nhà phát hành.
Do đó, động thái bán sách nói của riêng mình càng khiến Apple đối mặt với nhiều chỉ trích hơn. Nhiều người cho rằng tập đoàn công nghệ đang cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử như các nhà làm luật tại châu Âu và Mỹ đã siết chặt giám sát tập đoàn công nghệ sau hàng loạt cáo buộc chơi xấu đối thủ.
Spotify đã không thể bán sách nói (audiobook) trên nền tảng iOS vì bị chính sách thu phí của Apple làm khó. Ảnh: New York Times. |
Những thách thức đặt ra cho Apple
Theo The Guardian, việc Apple ứng dụng AI vào thị trường sách nói sẽ là một bước chuyển mình lớn của lĩnh vực, cho thấy tiềm năng của sách nói đối với các công ty công nghệ. Đồng ý với quan điểm này, một số nhà phát hành, tác giả và công ty xuất bản cũng cho rằng sự thay đổi sẽ giúp thị trường sách nói trở nên sôi động hơn trong tương lai.
Song, nhiều người khác lại tỏ ra quan ngại trước việc ứng dụng công nghệ vào sách nói. Nói với The Guardian, Carly Watters, người đại diện kết nối giữa nhà văn và nhà xuất bản (literary agent), nói rằng ông không thấy công nghệ AI trong thị trường sách nói mang lại lợi ích gì cho cả tác giả và người đọc.
“Các công ty xem sách nói như một lĩnh vực hái ra tiền. Họ muốn tạo nội dung mới nhưng đó không phải những gì người dùng muốn nghe. Nghề đọc sách và kể chuyện còn có nhiều giá trị hơn thế”, cô nói.
Bên cạnh đó, những giọng đọc nhân tạo cũng khó có thể thu hút người nghe về lâu về dài hay xóa nhòa cảm giác ghê rợn, nỗi sợ hãi từ những tạo vật mang dáng hình nhân loại (uncanny valley) của họ. Âm sắc và ngữ điệu của người thật là một yếu tố mà máy móc rất khó bắt chước.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn