Trong khi Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hàng đầu của Apple, gã khổng lồ công nghệ liên tục tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam trở thành ứng cử viên tiềm năng bậc nhất.
Việt Nam hưởng lợi lớn nhất
Cụ thể, theo danh sách đối tác cung ứng linh kiện năm 2023 vừa được công bố, Apple đã bổ sung thêm 11 cơ sở sản xuất mới ở Việt Nam, nâng tổng số lên 35. Con số này giúp Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều cơ sở sản xuất nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 trên thế giới.
AAC Acoustic Technologies, Cheng Uei Precision, Golden Arrow Printing, Hi-P International, Lingyi iTech và Quanta là những cái tên mới xây dựng nhà máy tại Việt Nam để gia công các sản phẩm của Apple trong năm tài chính vừa qua.
Trong vòng một thập kỷ trở lại, Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng công ty lắp ráp sản phẩm Táo khuyết. Cụ thể, tổng số đối tác cung ứng của tập đoàn tại nước ta tăng gấp 4 lần. Nhờ đó, Việt Nam trở thành quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng của Apple.
Không chỉ Việt Nam, Đông Nam Á là nơi được nhận nhiều lợi ích rõ rệt nhất sau động thái đa dạng hóa của Apple. Khu vực này có thêm 29 cơ sở sản xuất được thành lập so với năm tài chính 2022.
So sánh số sở sản xuất của Apple tại các quốc gia qua từng năm | |||||||
Nhãn | Trung Quốc | Việt Nam | Ấn Độ | Thái Lan | Malaysia | Indonesia | |
năm 2022 | cơ sở | 151 | 26 | 13 | 18 | 19 | 2 |
năm 2023 | cơ sở | 158 | 35 | 16 | 24 | 20 | 1 |
Về phân bố địa lý, Apple ngày càng phụ thuộc vào châu Á, với 87,37% cơ sở gia công các sản phẩm Apple nằm trong khu vực này. Số liệu này tăng nhẹ so với mức 86,88% một năm trước. Tỷ trọng nhà máy ở Đông Nam Á tăng từ chưa đến 20% vào năm 2022 cũng tăng lên gần 22%.
Các cơ sở cung ứng linh kiện của Apple tại Việt Nam dự kiến vẫn sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Nhận định này càng chắc chắn hơn sau chuyến thăm giữa tháng 4 của CEO Tim Cook. Vị CEO khẳng định tập đoàn có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn ở nước này.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Apple có làm điều tương tự ở Indonesia hay không. Số lượng đối tác sản xuất tại quốc gia này đã giảm từ 2 xuống chỉ còn 1. Khi gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tim Cook chỉ nói rằng công ty sẽ “xem xét” hoạt động sản xuất ở Indonesia.
Vị thế của Trung Quốc vẫn khó lòng lung lay
Trước mắt Trung Quốc vẫn là lãnh thổ quan trọng bậc nhất trong chuỗi cung ứng của Apple, đóng góp 42% sản lượng hàng năm của công ty và 158 cơ sở được đặt tại đây.
Sự thống trị này đến từ nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghiệp khổng lồ, lực lượng lao động lớn, giá cả phải chăng và có tay nghề cao, chi phí sản xuất thấp và khả năng tự động hóa dây chuyền của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra ngày một căng thẳng và chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc khiến việc chuyển đổi sang một mạng lưới sản xuất rộng khắp là điều không thể tránh khỏi.
Apple cũng là kẻ đi đầu cho sự thay đổi này. Bước chuyển hướng của tập đoàn công nghệ hứa hẹn sẽ tạo ra hàng triệu việc làm bên ngoài Trung Quốc. Chỉ riêng Việt Nam, lực lượng lao động lĩnh vực gia công điện tử đạt 1,3 triệu vào tháng 6/2022, tăng gấp 4 lần kể từ năm 2013.
Apple ngày càng mở rộng chuỗi sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: Foxconn. |
Theo DigiTimes, Việt Nam đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple. Theo đánh giá của JPMorgan, dự tính đến năm 2025, cả nước sẽ sản xuất 1/5 iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods.
Việt Nam không chỉ đơn thuần là một trung tâm sản xuất mà còn là trở thành thị trường tiêu dùng đầy sôi động. Với việc ra mắt Apple Store trực tuyến tại Việt Nam, Apple đang tích cực quan tâm đến người dùng Việt Nam, giúp họ mua sản phẩm dễ dàng và nâng cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng cách hỗ trợ tiếng Việt.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ 3 triển khai dịch vụ Apple Pay, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Cũng trong danh sách đối tác, số lượng cơ sở sản xuất ở đảo Đài Loan tăng thêm 7, trong khi ở Nhật Bản giảm 16 trong cùng kỳ. Số lượng đối tác cung ứng của Apple có trụ sở tại Nhật Bản và Đài Loan lần lượt giảm 3 và 2 nhà cung cấp trong năm tài chính 2023 so với một năm trước. Nhật Bản là quốc gia ghi nhận sụt giảm lớn nhất về tổng số cơ sở sản xuất các sản phẩm của Apple.
Trong khi đó, một quốc gia có sự tăng trưởng đáng chú ý là Hàn Quốc. Số lượng cơ sở sản xuất của Apple tại đây đã tăng thêm 18, khiến nước này trở thành quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất về số lượng cơ sở.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng được đánh giá là một trong những trung tâm sản xuất mới nổi của Apple trong chiến lược Trung Quốc+1 của hãng. Số lượng cơ sở sản xuất vẫn ở mức 14 trong năm tài chính 2023 - năm đầu tiên con số này ngừng tăng kể từ 2015.
Theo danh sách, số lượng nhà cung cấp chính của Apple đã giảm 1 nhà cung cấp từ 188 trong năm tài chính 2022, xuống còn 187 trong năm tài chính 2023. Trong khi đó, số lượng cơ sở sản xuất trên toàn thế giới đã tăng từ 709 lên 761.
Danh sách này chiếm 98% chi tiêu trực tiếp của Apple cho nguyên vật liệu, sản xuất và lắp ráp các sản phẩm trong năm tài chính 2023, kết thúc vào ngày 30/9/2023. Dữ liệu về giá trị và năng lực sản xuất của từng nhà cung cấp không được tiết lộ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn