Apple đang mất đi ‘ma thuật’
Cổ phiếu giảm xuống mức kỷ lục, kiểm duyệt sản phẩm kém, điều tra thị trường không đến nơi đến chốn là những mối lo ngại cực lớn cho "táo khuyết".
Ngày 19/10/2011, 14 ngày sau khi người sáng lập vĩ đại của Apple là Steve Jobs qua đời, Apple đã tổ chức một lễ tưởng niệm ông trong khuôn viên trụ sở của hãng tại Cupertino. Những tấm áp phích in hình Jobs và lời trích dẫn đầy cảm hứng của ông xuất hiện dày đặc trên các bức tường với nội dung: "Nếu bạn đã làm được một thứ gì đó tốt, bạn sau đó sẽ phải làm một thứ gì đó tuyệt vời, không nên dừng lại quá lâu". Apple đã sớm nhận ra, nếu không tiếp tục sáng tạo, họ sẽ thụt lùi. Khẩu hiệu của công ty thời điểm đó là "chỉ ra những gì cần làm tiếp theo".
iPhone từ vị thế của một sản phẩm cách mạng đã chỉ còn là một sản phẩm tốt. |
Một năm rưỡi sau, Wall Street và giới công nghệ tỏ ra nghi ngờ hơn bao giờ hết vào việc công ty của Jobs đang làm theo khẩu hiệu đó. Cổ phiếu của Apple đã giảm xuống mức kỷ lục trong vòng một năm qua (420 USD), trong khi đối thủ Google thì ở chiều ngược lại.
3 năm kể từ khi Apple cho ra mắt một sản phẩm hoàn toàn mới là chiếc iPad, các nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra sốt ruột về việc, sản phẩm sáng tạo tiếp theo của hãng này là gì. Trong khi đó, các đối thủ đang ngày một lớn mạnh, nhất là khi họ đã thấm nhuần tư tưởng chiến lược của Apple - cho ra mắt một sản phẩm đi kèm với đó là cả một hệ sinh thái bổ trợ.
"Apple đang từ một công ty vĩ đại với những sản phẩm không thể đoán trước trở thành một công ty có sản phẩm tốt", ông George Colony, Giám đốc của hãng phân tích thị trường Forrester cho biết. "Sản phẩm của họ vẫn rất tốt, nhưng thiếu tính sáng tạo. Đây là điểm khác biệt so với một vài năm về trước".
Trên thực tế, Apple vẫn là một công ty hàng đầu. Họ bán được 47 triệu iPhone trong 3 tháng cuối năm 2012. Apple vẫn là công ty số một thế giới (hoặc số 2 tùy theo giá cổ phiếu từng ngày của đối thủ là công ty dầu mỏ Exxon). Trong năm ngoái, lợi nhuận của hãng đạt mốc 41 tỷ USD, cao hơn toàn bộ lợi nhuận của Google, Facebook, Microsoft và Amazon cộng lại.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, những sản phẩm mới nhất của hãng như iPhone 5, iPad và iPad mini đều chỉ có những cải tiến nhỏ so với thế hệ trước. Sản phẩm có tính đột phá lớn nhất của Apple là Maps, đáng tiếc lại bị "ném đá" không thương tiếc bởi chất lượng khá tệ. Công ty này có thể tự hào, họ vẫn làm ra các sản phẩm công nghệ đẹp nhất, chất lượng tốt nhất thế giới, nhưng hậu quả sẽ ra sao khi nó vẫn phải vận hành nhờ vào hệ thống bản đồ, mail, trình duyệt từ Google.
Một điểm nữa cần phải chỉ ra là Apple đã thay đổi cách thức kiểm duyệt sản phẩm thời hậu Steve Jobs. Nếu như trước đó, bất cứ một tính năng hay sản phẩm mới nào của Apple đều phải thông qua Steve Jobs thì hiện tại, nó sẽ được kiểm duyệt bởi một loạt các thành viên khác của ban điều hành, những người thua xa Jobs về độ hoàn mỹ, một cựu nhân viên của Apple cho biết.
Một câu hỏi khác cũng đang làm đau đầu các nhà điều hành Apple. Họ có khả năng tiến vào các thị trường mới không, khi những thị trường cao cấp quen thuộc đang có dấu hiệu bão hòa? CEO Tim Cook luôn khẳng định, Apple sẽ không vì giá bán mà hạ thấp chất lượng sản phẩm, nhưng trong năm 2012, họ đã cho ra chiếc iPad mini với giá chỉ 330 USD. Khi hạ giá chiếc iPhone 4, Apple - theo lời Cook - "rất bất ngờ" trước nhu cầu của người dùng cho một chiếc iPhone giá rẻ.
Doanh số cao vượt mong đợi của iPad mini cho thấy, Apple đang phân tích thị trường không tốt. |
Wall Street tỏ ra bi quan về tương lai của Apple. Việc giữ bí mật đến phút chót và cuối cùng tung ra một sản phẩm “bom tấn” đã đem đến thành công vang dội cho hãng, nhưng chính tại thời điểm này, nó đang có tác dụng trái chiều (do sản phẩm của Apple đã không còn nhiều tính sáng tạo, khiến người dùng có phần thất vọng).
Apple chọn cách im lặng trước bão dư luận trong suốt thời gian qua. Có hai khả năng xảy ra: họ đang ấp ủ một dự án mang tính cách mạng tiếp theo, hoặc chính bản thân hãng cũng đang loay hoay không biết chọn con đường nào để đi. “Sẽ luôn là sai lầm nếu đánh giá thấp Apple”, David Yoffie - giáo sư của trường đại học kinh doanh Harvard cho biết. “Tôi đã từng làm như thế trong một vài nghiên cứu của mình và chưa bao giờ đó là một điều dễ dàng”.
Thành Duy
Theo Infonet