Theo công ty nghiên cứu thị trường Dediu, Apple đã vượt qua mốc doanh số 2 tỷ iPhone, ngay trước khi họ bán ra dòng thiết bị mới. Khác với cột mốc 1 tỷ máy, không có thông báo chính thức, không có buổi ăn mừng nào được tổ chức.
Điều này một phần do Apple đã ngừng công bố doanh số bán ra chi tiết của iPhone, thay vào đó, họ cung cấp số liệu doanh thu định kỳ. Có vẻ, với Apple, con số 2 tỷ không còn sức hấp dẫn như cột mốc 1 tỷ.
Dòng iPhone 12 vừa tạo ra chu kỳ thành công mới cho Apple. Ảnh: Getty Images. |
Dediu đã thống kê lại toàn bộ iPhone bán ra trong 14 năm qua, bao gồm dòng iPhone 13 bắt đầu cho nhận đặt trước. Có thể thấy mức giá chênh lệch của các phiên bản iPhone bán ra cùng thời điểm ngày càng lớn. Trong mỗi năm, số model xuất hiện cũng tăng dần lên.
Đặc biệt, 14 năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt với giá 400 USD, người dùng vẫn có thể chi tối thiểu ở mức này để sở hữu iPhone SE, phiên bản bộ nhớ 64 GB (tính theo giá trước thuế tại Mỹ).
Tuy nhiên, mức giá cao nhất lại gấp 4 lần, lên đến 1.600 USD với iPhone 13 Pro Max, dung lượng 1 TB. Tổng cộng có 24 mã hàng iPhone, 18 mức giá khác nhau đang được Apple bán chính thức.
Mọi thứ còn phức tạp hơn nếu người dùng mua iPhone thông qua chương trình ưu đãi của nhà mạng, iPhone tái chế hoặc thị trường máy đã qua sử dụng, mua đi bán lại.
Dường như Apple đã rời xa nguyên tắc mà Steve Jobs đặt ra khi trở lại công ty vào năm 1997: đơn giản hóa dòng sản phẩm. Nhưng Dediu lập luận rằng sự thành công hiện tại của Táo khuyết bắt nguồn từ một triết lý khác của nhà sáng lập.
iPhone 13 thể hiện rõ nét triết lý kinh doanh của Steve Jobs. Ảnh: Apple. |
Khi Steve Jobs trở lại Apple, ông đã loại bỏ sự phức tạp của các dòng máy tính Mac, chỉ giữ lại 4 phiên bản, gồm cả máy tính để bàn, laptop cho người dùng phổ thông và chuyên nghiệp. Danh mục iPhone hiện nay giống như thời trước khi Jobs quay về hơn.
Tuy nhiên, di sản của ông vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến Apple theo cách khác.
Theo Dediu, hầu hết smartphone hiện nay đều đủ tốt, chủ sở hữu có thể dùng trong vài năm mà không cảm thấy thiếu thốn tính năng quá nhiều so với model mới ra mắt. Đây chính là trở ngại lớn nhất của Apple.
Để tiếp tục bán ra nhiều iPhone hơn, Apple áp dụng cách mà Steve Jobs đã đề cập từ xưa: mang đến cho người dùng những thứ họ không biết rằng mình cần, nhưng giờ đây phải có. Điều này thể hiện rất rõ trên dòng iPhone 13.
Người dùng không yêu cầu tính năng lấy nét theo chủ thể, chế độ chụp đêm, macro, bokeh chân dung… nhưng một khi đã xuất hiện, nó lại trở thành thứ không thể thiếu. Có lẽ điều làm cho iPhone trở nên đặc biệt là cung cấp những thứ không ai đòi hỏi nhưng sau cùng tất cả đều mong muốn.