Ngày 27/4, cửa hàng Self Service Repair của Apple đã được mở cho người dùng muốn tự thay linh kiện iPhone thay vì mang ra trung tâm bảo hành hoặc dịch vụ ủy quyền. Chương trình được giới thiệu vào tháng 11/2021 sau phong trào "quyền sửa chữa" (right to repair). Người ủng hộ vận động chính phủ các nước thay đổi luật, khuyến khích nhà sản xuất cung cấp linh kiện để tự sửa chữa thiết bị công nghệ. Ảnh: 9to5mac |
Cửa hàng Self Service Repair do bên thứ ba vận hành, cung cấp hơn 200 bộ phận, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn để sửa pin, loa ngoài, camera, màn hình, khay SIM và bộ rung xúc giác (Taptic Engine) cho các dòng iPhone 12, iPhone 13 và iPhone SE 2022. Người dùng có thể chọn mẫu máy và bộ phận cần thay thế. |
Theo tham khảo, bộ linh kiện để thay pin cho các dòng iPhone 12, iPhone 13 có giá 71 USD, còn iPhone SE 2022 là 50 USD. Trong khi đó, giá thay pin tại trung tâm ủy quyền của Apple là 70 USD với các mẫu iPhone trang bị Face ID và 50 USD cho những thiết bị sử dụng Touch ID. Người dùng có thể mua linh kiện theo bộ hoặc từng thành phần riêng lẻ. |
Bộ linh kiện để thay loa ngoài có giá từ 42-49 USD tùy model. Tất cả là linh kiện chính hãng được Apple thiết kế, kiểm nghiệm chất lượng và tối ưu cho từng thiết bị. Website của Apple không đề cập giá thay loa ngoài, tuy nhiên người dùng chắc chắn mất khoản phí cao nếu thiết bị đã hết bảo hành. |
Giá thay cụm camera dao động khoảng 115-119 USD. Theo hướng dẫn của Apple, quy trình sửa thiết bị gồm 4 bước. Đầu tiên, người dùng cần đọc tài liệu sửa chữa được cung cấp miễn phí trên website. Sau đó, truy cập trang Self Service Repair để đặt linh kiện và dụng cụ. Các bộ phận sẽ gắn với số IMEI của thiết bị được sửa. Sau khi thay thế xong, liên hệ với đội ngũ vận hành Self Service Repair để cấu hình thiết bị. |
Màn hình là bộ phận thay thế đắt nhất. Bộ linh kiện gồm tấm nền hiển thị, miếng cố định, ốc bảo vệ và nắp đậy có giá 228-312 USD cho các dòng iPhone màn hình OLED, và 130 USD cho iPhone SE 2022 màn hình LCD. Để so sánh, chi phí thay màn hình tại trung tâm ủy quyền là 230-330 USD cho iPhone OLED và 130 USD cho iPhone SE 2022. |
Apple cũng bán khay SIM để thay thế, đồng giá 7,2 USD cho tất cả model và màu sắc. Dụng cụ duy nhất là cây lấy SIM cũng được bán với giá 4 USD. Dù mở chương trình tự sửa chữa, Apple cho biết liên hệ với kỹ thuật viên có chuyên môn vẫn là "cách sửa chữa an toàn, đáng tin cậy nhất" với đa số khách hàng chưa có kinh nghiệm thay thế linh kiện thiết bị điện tử. |
Cuối cùng là bộ rung Taptic Engine giá 41-47 USD. Hiện tại, Self Service Repair chỉ hỗ trợ thị trường Mỹ nhưng sẽ mở rộng ra châu Âu và những nước khác từ cuối năm nay. Các bộ phận, dụng cụ để sửa máy Mac với chip M-series cũng sẽ được bổ sung vào cuối năm. |
Để tháo lắp máy dễ dàng, Apple cũng cho thuê bộ dụng cụ trong một tuần với giá 49 USD. Trên website Self Service Repair, Táo khuyết cho biết bộ dụng cụ gồm 2 hộp đựng kích thước lớn, trọng lượng 19,5 kg và 16,3 kg, có bánh xe để di chuyển thuận tiện, bên trong chứa công cụ tách màn hình, vỏ bảo vệ, tua vít... |
Apple cũng bán riêng từng dụng cụ nếu có nhu cầu sử dụng lâu dài như bộ tua vít giá 100 USD, công cụ tách màn hình giá 216 USD, khay cố định thiết bị với giá 42 USD... Các dụng cụ này có chất lượng cao, tương tự công cụ tại các trung tâm dịch vụ ủy quyền. |
Sau khi sửa xong, người dùng gửi linh kiện cũ về Apple để nhận chiết khấu. Elizabeth Chamberlain, đại diện iFixit, website ủng hộ "quyền sửa chữa" nhận định đây là động thái tích cực của Apple, tuy nhiên chưa đi đúng mục tiêu mà phong trào "quyền sửa chữa" hướng đến khi vẫn còn giới hạn nhiều yếu tố, bao gồm yêu cầu nhập số serial hoặc IMEI mới mua được linh kiện. |
Trước Apple, một số hãng công nghệ đã cho phép người dùng đặt linh kiện để tự sửa thiết bị. Táo khuyết từng đặt ra những quy định khắt khe về linh kiện thay thế không chính hãng hoặc cửa hàng không được ủy quyền. |