Lina Supply Chain nằm trong một hệ sinh thái công nghệ blockchain bao gồm nhiều tập đoàn doanh nghiệp và người dùng, cho phép đảm bảo việc theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất một sản phẩm bất kỳ từ khi là nguyên liệu thô, đến thành phẩm, đóng gói và đến tay người tiêu dùng.
Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch HĐQT Lina Network cho biết hiện Việt Nam có 3 đối tượng cần công nghệ này là các công ty về thực phẩm, các công ty về nông nghiệp và các công ty về dược phẩm. “Khi ứng dụng công nghệ blockchain trong chuỗi cung ứng, khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể truy suất được toàn bộ nguồn gốc của sản phẩm", ông Ca cho biết thêm. Điều này đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về thông tin sản phẩm như minh bạch, bất biến, mọi lúc mọi nơi, chuẩn hóa và an toàn.
Ông Vũ Trường Ca ký kết hợp tác với các tập đoàn châu Á. |
Lina Network ký kết hợp tác thành công với các tập đoàn châu Á từ Nhật Bản, Thái Lan Ấn Độ... Các tập đoàn này đã sẵn sàng sử dụng ứng dụng do Lina Network phát triển, giúp minh bạch hóa nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trong chuỗi cung ứng thông thường sẽ có những "điểm mù" (blind spot), ví dụ liệu người bán có gửi đủ đơn đặt hàng không, tàu chở hàng cập bến chưa… Công nghệ Blockchain có thể cho biết sản phẩm đang ở đâu, trạng thái nào, ai đang nắm quyền lưu giữ sản phẩm.
Đồng thời, công nghệ này cũng thể hiện khả năng tối ưu hóa bằng cách dự đoán thời gian hàng hóa đến nơi. Tất cả thông tin về sản phẩm được các bên liên quan trong chuỗi cập nhật tức thời, hoàn toàn mình bạch để mọi người có thể truy cập ở mọi thời điểm.
Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network. |
Việc trung thực trong vấn đề nhập liệu cũng là một điểm mạnh, theo đó có 2 phương pháp nhập liệu chính là bằng tay và hoàn toàn tự động. Các dữ liệu nhập vào được quản lý và xác nhận minh bạch bằng các công nghệ như Big Data và AI, vì vậy việc làm giả dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
Ông Võ Thạch Tâm, Giám đốc kỹ thuật của Lina Network cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong chuỗi cung ứng giúp giảm hoặc loại bỏ gian lận, giảm chi phí vận chuyển và độ trễ với các hoạt động liên quan đến giấy tờ, tìm ra vấn đề nhanh hơn khi có sự cố. Thêm vào đó, nhà nước dễ dàng quản lý hơn, giúp cải thiện hình ảnh quốc gia, tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh những sản phẩm chất lượng với các đặc tính của chuỗi cung ứng.
Ông Võ Thạch Tâm, Giám đốc kỹ thuật của Lina Network. |
Cụ thể, ứng dụng hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng có phân quyền (permissioned supply chain). Trong đó, tất cả đối tượng đều có quyền hạn rõ ràng với việc tạo, xem và sửa dữ liệu. Các bên tham gia muốn được lưu dữ liệu trên chuỗi cung ứng phải có quyền hợp lý và được duyệt bởi các đơn vị có thẩm quyền.
Ví dụ, việc nhập thông tin liên quan tới nhiệt độ sản phẩm trong chuỗi sấy hoa quả của nhà máy A đòi hỏi phải có quyền của đơn vị trực tiếp phụ trách việc sấy hoa quả và đơn vị quản lý trực tiếp. Mọi bước trong chuỗi cung ứng được ghi lại trên blockchain với timestamp, đối tượng thực hiện, đối tượng duyệt hành động.
Lina Network ký kết hợp tác thành công với các tập đoàn Châu Á từ Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ. |
Ứng dụng cũng xây dựng một hệ sinh thái cho phép các bên thứ 3 tham gia vào hệ thống một cách độc lập, không phụ thuộc vào một bên đăng ký (ví dụ các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm). Các đơn vị quản lý nhà nước cũng có thể dễ dàng yêu cầu quyền truy cập dữ liệu và kiểm tra trực tiếp dữ liệu trên Supply Chain, tạo ra một hệ sinh thái chuỗi cung ứng minh bạch nhất có thể.
Ví dụ, khả năng kiểm định xuyên biên giới (cross border audition) tại một doanh nghiệp hoa quả Thái Lan khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc sẽ chịu các tiêu chuẩn khác nhau. Hiện việc này được thực hiện đơn lẻ nên tốn kém và chưa thực sự tạo ra sự tin tưởng. Với hệ thống Supply Chain của Lina, việc này có thể thực hiện song song (do các bên kiểm định có thể tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng) và sử dụng lại một số dữ liệu của nhau mà không sợ lộ các thông tin quan trọng.
Cuối cùng, ứng dụng này còn tạo ra một nền tảng Supply Chain để các đơn vị sản xuất có thể dễ dàng tùy chỉnh các thông tin về chuỗi cung ứng của mình. Supply Chain của Lina có tính linh hoạt để áp dụng cho nhiều ngành sản xuất (có quy trình tương tự) mà không phải xây dựng từ đầu.
Ví dụ, hiện Lina Supply Chain được áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất hoa quả (Aimthai) và doanh nghiệp thủy sản (Hi Chef). Việt Nam cũng đã sử dụng quản lý chuỗi cung ứng nhưng trên nền tảng công nghệ truyền thống, tức là có thể chỉnh sửa và không minh bạch, còn nền tảng blockchain đảm bảo tính minh bạch, bất biến. Đây cũng là một trong những chuỗi cung ứng đầu tiên trên nền tảng blockchain.