Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông - Xã hội - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông trưa 22/10 với sức gió vùng gần tâm cấp 6, giật cấp 8, tốc độ di chuyển 15-20 km/h.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông chiều 22/10. Ảnh: VNDMS.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Sức gió vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 8, di chuyển theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h.

Dự báo đến 13h ngày mai, tâm áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460 km về phía bắc đông bắc, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Đến 13h ngày 24/10, áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ảnh hưởng của áp thấp, khu vực bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3-5 m. Diễn biến của áp thấp nhiệt đới những ngày tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của không khí lạnh. Do đó, người dân cần theo dõi các bản tin dự báo mới nhất.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định khối không khí lạnh vẫn bao trùm khu vực Biển Đông nên ít có khả năng áp thấp nhiệt đới phát triển thành bão trên cấp 10 và đưa ra 2 kịch bản về đường đi của áp thấp nhiệt đới.

Kịch bản 1, xác suất 60-70 %, xảy ra trong trường hợp áp thấp nhiệt đới tương tác với không khí lạnh, cường độ mạnh nhất sẽ đạt cấp 7 khi vào Biển Đông. Sau khi di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa thì suy yếu thành vùng áp thấp.

Kịch bản 2, xác suất 30-40%, xảy ra khi áp thấp nhiệt đới di chuyển vào Biển Đông, tương tác với không khí lạnh, mạnh lên thành bão (cường độ mạnh nhất lên cấp 8-9). Sau đó duy trì cấp bão 1-2 ngày rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa rồi tiếp tục suy yếu khi vào sát bờ biển miền Trung.

Trên đất liền, nhiều tỉnh, thành miền Trung có mưa to đến rất to trong 24 giờ qua. Độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã đạt trạng thái gần bão hòa (85-95%).

Khu vực này tiếp tục có mưa trong vài giờ tới, lượng phổ biến từ 20-50 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Do đó, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Bài liên quan

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm