Sáng 3/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay trên rãnh áp thấp có trục 6-8 độ vĩ Bắc đã hình thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển đông nam quần đảo Trường Sa.
Hồi 10h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) khoảng 250 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7- 8.
Cơ quan khí tượng dự báo đến 10h ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 190 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.
|
Từ sáng mai (4/11), do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3 m.
Cơ quan khí tượng cũng thông tin các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa to, tổng lượng phổ biến 50-100 mm. Riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.
Khu vực Tây Nguyên mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Các tỉnh Nam Bộ có mưa vừa và mưa to. Lũ các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk tiếp tục lên, nhiều nơi lên trên báo động 3.
Sáng 3/11, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, cho biết trong lúc đánh bắt thủy sản ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), 3 ngư dân Quảng Ngãi không may bị gió lớn hất văng rơi xuống biển mất tích.
Thời tiết xấu khiến nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị sóng lớn nhấn chìm. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trung tâm tìm kiếm Hàng hải Việt Nam đang phối hợp các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm ba ngư dân mất tích gồm: Ông Phạm Long (40 tuổi), Nguyễn Văn Hóa (23 tuổi, đều ngụ xã Phổ Khánh) và Nguyễn Minh Tú (23 tuổi, ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) nhưng chưa thể tìm thấy.
Trong khi đó theo thống kê sơ bộ của tỉnh Bình Định mưa lũ gây sập hai nhà, lốc xoáy làm tốc mái hàng chục nhà dân và hơn 1.200 nhà dân Bình Định ngập nước.
Cầu Bù Nú xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị mưa lũ giật sập. Ảnh: V.Hùng. |
Ông Trần Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), cho biết thêm mưa lũ từ thượng nguồn ào ạt chảy về với cường suất lớn khiến cho ba cây cầu Bù Nú, Nhơn An và Hương Quang bị sập, sụt lún hư hỏng nặng gây chia cắt, cô lập hơn 800 hộ dân.
Thống kê sơ bộ, mưa lũ gây thiệt hại cho huyện Hoài Ân ước khoảng 15 tỷ đồng.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích địa phương ứng trực tại những điểm sạt lở hướng dẫn, thông báo cho người dân khi đi lại an toàn.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, mưa lớn khiến 14 đoạn đường ở các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn bị sạt lở nặng, đến sáng 3/11 vẫn chưa thể thông xe.