Trung tâm Dự báo Khí tượng cho hay, chiều nay 19/8, sau khi đi vào khu vực Hà Nội, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực nam bồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7-9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km.
Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 3-5 m. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-3,5 m.
Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100 mm. Đến 23h ngày 19/8, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng cho hay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chiều 19/8 đến hết ngày 20/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng, lượng 50-100 mm. Riêng, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rất to, lượng mưa 100-200 mm.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, lũ quét, ngập úng ở miền Bắc. Ảnh: Lê Hiếu |
Hiện, mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào đã lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5 m, hạ lưu từ 2-3 m.
Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mứ1 báo động 2; sông Thao, Lục Nam, Kỳ Cùng, Hoàng Long ở mức báo động 2; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động 2, hạ lưu lên mức báo động 1-2; sông Cả, sông La dưới mức báo động 1.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ Anh có khả năng cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất. Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có nguy cơ ngập úng.
Chiều tối 19/8, Thủ tướng có công điện chỉ đạo Bộ, ngành, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An chủ động ứng phó với mưa, lũ sau cơn bão số 3.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa, lũ để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân.