Chiều 29/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 13h, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa 480 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9, mạnh hơn sáng nay một cấp.
Trong 24 giờ tới, hình thái này đi theo hướng bắc tây bắc với vận tốc 5-10 km/h và khả năng mạnh thành bão. Chiều 30/6, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 420 km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Bão duy trì vận tốc, hướng đi trong những giờ tiếp theo và tiếp tục mạnh lên trong các ngày 1-2/7. Sau đó, hình thái này có thể đổi hướng đi theo tây bắc.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: VNDMS. |
Cơ quan khí tượng Nhật Bản đưa ra kịch bản cực đoan hơn khi cho rằng ngay cả khi tâm bão tiếp cận đất liền Trung Quốc vào ngày 3/7, hình thái này vẫn duy trì sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Đến ngày 4/7, hoàn lưu sau bão có thể ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Tương tự, cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo bão hướng thẳng vào khu vực ven biển tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vào ngày 3/7 với sức gió tối đa 75 km/h, tương đương cấp 9. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền khu vực này và giảm cấp.
Cơ quan này nhận định vào ngày 3/7, vùng ảnh hưởng của bão mở rộng ra khắp khu vực Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Hong Kong đưa ra kịch bản tương đối giống nhau cho hướng đi và vùng ảnh hưởng của cơn bão sắp hình thành. Ảnh: JMA và HKO. |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 15 đến 19,5 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 113 đến 117,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 3-5 m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao 2-3 m, biển động mạnh.
Trên đất liền, mưa lớn khả năng xuất hiện ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An từ chiều và đêm nay (29/6) với lượng phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 120 mm. Ngày và đêm 30/6, lượng mưa dao động 30-70 mm, riêng Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn có nơi trên 100 mm.
Đợt mưa lớn này ở Bắc Bộ được cảnh báo kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7.