Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến TP.HCM thế nào?

TP.HCM được dự báo có thể xảy ra mưa lớn ngày 26-27/10, kết hợp với triều cường gây nguy cơ ngập lụt. Trong khi đó, miền Trung đang lên phương án với các đợt mưa lớn nối nhau.

Thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 26/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới duy trì cường độ mạnh cấp 6-7 trong suốt những giờ qua.

Hình thái này được dự báo đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận rồi suy yếu thành vùng áp thấp. Mặc dù đổ bộ với cường độ không quá mạnh, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng trong hai ngày.

Nguy cơ ngập lụt đô thị

Theo ông Khiêm, ngày 26-27/10, lượng mưa lớn 100-200 mm có thể được ghi nhận ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có nơi trên 200 mm. Trong đó, TP.HCM được dự báo mưa rất lớn, kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ra hiện tượng ngập lụt trong đêm nay và ngày 27/10.

Tại khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận và nam Tây Nguyên, mưa dông xuất hiện với lượng lớn hơn, phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm. Từ chiều nay (26/10), khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận cũng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Chuyên gia cảnh báo đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên có thể lên mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2. Đỉnh lũ trên một số sông ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, thượng lưu sông Đồng Nai và các sông ở nam Tây Nguyên có thể lên mức báo động 2-3.

"Các địa phương ở nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai và khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận nguy cơ cao xảy ra ngập lụt", ông Khiêm nói.

TP.HCM anh huong boi ap thap nhiet doi anh 1

Chuyên gia lo ngại mưa lớn tiếp tục trút xuống TP.HCM trong đêm nay và ngày mai, kết hợp triều cường gây nguy cơ ngập lụt. Ảnh: Duy Hiệu.

Chuyên gia cho biết mưa cường độ lớn sẽ tập trung vào đêm 26 và sáng 27/10, khả năng gây ngập úng cục bộ ở các khu vực đô thị như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà Lạt,… Trong khi đó, lũ quét và sạt lở có thể xảy ra ở các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn cũng có nguy cơ làm tràn các hồ chứa nhỏ đang thi công hoặc đã đầy nước, trong đó Quảng Ngãi 112 hồ, Quảng Nam 36 hồ, Đà Nẵng 7 hồ, Thừa Thiên - Huế 4 hồ. Ngoài ra, mưa lớn nguy cơ làm tràn 70 hồ ở Kon Tum và 17 hồ ở Gia Lai.

Đại diện cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ mất an toàn với một số mỏ khai thác khoảng sản như: các mỏ khai thác titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú yên, Ninh Thuận, đặc biệt các mỏ khai thác Bauxit khu vực Đắk Nông và Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Ngày 27-30/10, vùng mưa lớn dịch chuyển lên khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông. Lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm.

Lo ngại người dân mệt mỏi khi phải sơ tán

Theo đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), đơn vị chức năng ở các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp để thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 49.000 phương tiện với trên 261.000 người biết hướng đi của áp thấp nhiệt đới để thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện, hơn 192 phương tiện cùng 3.000 người còn hoạt động ở giữa Biển Đông và vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã nhận được thông tin, đang di chuyển để vòng tránh.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã huy động trên 40.000 bộ đội cùng hơn 200.000 dân quân, 2.500 phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mưa lũ.

TP.HCM anh huong boi ap thap nhiet doi anh 2

Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ miền Trung, sáng 26/10. Ảnh: Ngọc Hà.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết áp thấp nhiệt đới không mạnh thành bão nhưng sẽ sớm tác động trực tiếp đến đất liền Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và ảnh hưởng khắp các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Trước mắt, ông Hiệp lo ngại tâm lý của người dân ở nhiều nơi như Quảng Ngãi, Quảng Nam đã mệt mỏi do phải sơ tán đến 3 lần trong vòng một tháng qua. Ông đề nghị những ngày tới, trong trường hợp tiếp tục phải sơ tán, địa phương cần động viên và giải thích để người dân hiểu.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng quan tâm đến vấn đề hồ chứa khi số liệu cho thấy các hồ ở Bắc Trung Bộ đã tích được 85% nước, trong khi Quảng Ngãi, Quảng Nam đã tích trên 90%. Trong khi đó, nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận và Phú Yên mới tích khoảng 40-60% nước, có hồ lớn hơn 35%.

"Với trận mưa sắp tới thì địa phương cần chủ động tích được nhiều nước nhất có thể để chuẩn bị cho vụ mùa năm sau. Chúng tôi lo ngại sau Tết Nguyên đán 2022, Ninh Thuận và Phú Yên có thể xảy ra hạn hán nghiêm trọng, nên nếu không chủ động tích nước thì rất nguy hiểm", ông Hiệp nói.

Đối với các hồ đã đầy nước, ông đề nghị địa phương vận hành điều tiết hồ chứa theo đúng quy trình.

Về sạt lở, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo ngại sạt lở ở khu dân cư có thể xảy ra, đặc biệt ở các địa phương Quảng Ngãi và Quảng Nam, nơi vừa hứng chịu đợt mưa rất lớn và tiếp tục mưa trong những ngày tới.

Ông đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của mưa lớn cần cử người canh trực ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đã được cảnh báo, để có thể báo động cho người dân sơ tán khi có tình huống xảy ra.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng các địa phương miền Trung không được chủ quan khi thấy thiên tai năm nay không khốc liệt như năm 2020. Ông cho rằng từ nay đến cuối năm, thiên tai vẫn có nhiều đột biến khi một số nơi có thể tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của những cơn bão.

Áp thấp nhiệt đới gần bờ, Nam Trung Bộ mưa lớn

Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ có mưa 200-350 mm, một số nơi trên 400 mm. Mưa lớn kéo dài cũng xuất hiện ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ những ngày tới.

Hai đợt mưa sắp tới ở miền Trung diễn ra thế nào?

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hoặc bão khiến từ Đà Nẵng đến Bình Thuận mưa lớn trong ngày 26-27/10. Sau đó, vùng trọng tâm mưa dồn lên khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.

Trung tâm TP.HCM bị ngập nhiều giờ

Nhiều người dân tại đường Bùi Viện chia sẻ nhiều năm qua, chưa bao giờ phố Tây bị ngập sâu sau cơn mưa lớn như chiều nay.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm