Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 16h ngày 15/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường nên vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ tối nay có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ ngày mai (15/11), các tỉnh Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, do mưa lớn, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Sơ đồ dự báo áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (phát lúc 17h30 ngày 14/11). |
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2; các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh trên.
Trước diễn biến này, ngày 14/11 Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện gửi Ban chỉ huy PCLB & TKCN các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên cùng các bộ ngành liên quan thực hiện các giải pháp phòng chống.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315 - Quân khu 5) lên đường giúp dân chống trận bão vừa qua. Ảnh Quân đội Nhân dân. |
Văn phòng Uỷ ban Quốc gia TKCN cho biết đến 16h ngày 14/11, Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bến Tre đã phối hợp với địa phương gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 74.842 phương tiện/302.639 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó đã có 63.765 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 1.921 phương tiện (1.004 ôtô, 211 xe lội nước, 155 tàu, 529 xuồng các loại, 9 bộ phao bè vượt sông VSN 1500, 2 phà PMP cùng 11 máy bay) sẵn sàng phòng chống.