Sau những lời khen dành cho bài phát biểu của cựu phó tổng thống Joe Biden tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC), áp lực đổ dồn về phía tổng thống đương nhiệm trong bối cảnh Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) sắp diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 8.
Tổng thống Trump được cho là đang lên kế hoạch kỹ lưỡng cho sự kiện kéo dài 4 ngày của đảng Cộng hòa nhằm kiểm soát lại tình hình.
Với lợi thế là kinh nghiệm nhiều năm từ việc sản xuất các chương trình truyền hình, tổng thống đang thiết kế các chương trình mang tính tương tác với khán giả cao hơn so với DNC nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ cử tri.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, Tổng thống Trump từng dành nhiều năm làm việc trong ngành giải trí và sản xuất nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng. Ảnh: Getty. |
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump gặp nhiều bất lợi trong cuộc chạy đua với ông Biden khi lượng lớn cử tri không tán thành cách chính quyền ông Trump đối phó với đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã khiến hơn 176.000 người tử vong ở Mỹ và gần 5,7 triệu ca nhiễm.
Bên cạnh đó, nhiều người không đồng tình với cách chính phủ phản ứng làn sóng biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Black Lives Matter sau cái chết của George Floyd.
Chỉ trích kỳ đại hội “ảm đạm và tăm tối nhất”
Hôm 21/7, ông Trump đã so sánh mình với tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln và phản pháo những cáo buộc của đảng Dân chủ rằng ông là một lãnh đạo thiếu trách nhiệm, tìm cách làm phân cực nước Mỹ để tiếp tục duy trì quyền lực của mình.
Tổng thống Trump nhận xét rằng đảng Dân chủ “đã tổ chức đại hội ảm đạm và tăm tối nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Ông cáo buộc phe Dân chủ đã “cố gắng xóa sổ lịch sử nước Mỹ” bằng cách gieo rắc sự sợ hãi và hỗn loạn ở khắp nơi.
“Họ dành bốn ngày để lên án nước Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc, một đất nước khủng khiếp cần được cứu chuộc”, ông Trump phát biểu, bác bỏ lập luận của ông Biden rằng tổng thống đương nhiệm là người đã đẩy nước Mỹ vào “thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử”, đồng thời hy vọng sẽ lãnh đạo người dân thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.
Sau màn công kích từ các thành viên đảng Dân chủ, Tổng thống Trump lập tức đáp trả. Ảnh: CNN. |
Tự đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump gọi đó là “khoảng thời gian thành công nhất của nước Mỹ. Hãy nhìn những gì chúng ta đã làm được mà xem”, ông nói.
Dựa trên những dấu hiệu khởi sắc của thị trường chứng khoán, Tổng thống Trump cho rằng nền kinh tế nước Mỹ đang phục hồi và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đồng thời các thành viên đảng Dân chủ “có lẽ không hài lòng về điều đó”.
Trong một buổi họp mặt trước đại hội của đảng Cộng hòa, ông Trump phát biểu: “Tôi nhìn thấy sự vĩ đại của nước Mỹ ở những nơi mà Joe Biden chỉ nhìn ra được viễn cảnh tăm tối. Chúng ta đã chứng kiến các bác sĩ và y tá chạy đua từng ngày từng giờ để cứu sống người bệnh. Chúng ta thấy được những người sẵn sàng giúp người lạ mặt trong tình cảnh cần giúp đỡ. Chúng ta đã chứng kiến đạo luật mang tính lịch sử được thông qua để cứu lấy 50 triệu việc làm cho nước Mỹ”.
Việc Tổng thống Trump cho mở cửa các trường học và doanh nghiệp trở lại bị chỉ trích đã khiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, hôm 21/8, ông Trump vẫn nhận công lao về phần mình vì đã “cho xây dựng bệnh viện dã chiến” và “sản xuất các phương pháp cứu bệnh nhân khỏi tay tử thần”, cho rằng nước Mỹ “đang sản xuất loại vaccine đặc trị Covid-19 tốt nhất, ít nhất là đến thời điểm hiện tại”.
Hôm 21/8, Phó tổng thống Mike Pence cho biết ông kỳ vọng Mỹ sẽ sở hữu một hoặc vài loại vaccine đối với virus corona ngay trong năm nay, bất chấp hoài nghi từ các chuyên gia y tế về khả năng phát triển một loại vaccine mới và phức tạp như vậy chỉ trong thời gian ngắn.
Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: Getty. |
Ông Pence dường như cũng thừa nhận mình đã sai về tuyên bố “sẽ không có làn sóng Covid-19 thứ hai” hồi tháng 7, ông nói rằng “mọi thứ đã thay đổi”.
Ngay cả trong trường hợp chính quyền thực sự tạo ra được những tiến triển bất ngờ vào tháng 10 như sự ra mắt của vaccine Covid-19 hay phác đồ điều trị mới cho chứng viêm phổi cấp, đảng Cộng hòa vẫn còn những nhiệm vụ quan trọng khác ở phía trước. Tuần này, họ sẽ phải thuyết phục những cử tri đang dao động rằng đại dịch đã được khống chế và Tổng thống Trump thực sự tập trung vào mối bận tâm của người dân chứ không phải chỉ biết thu hút sự chú ý về phần mình.
Tuần lễ khó khăn của Nhà Trắng
Trong khi đảng Dân chủ gây được tiếng vang lớn sau DNC với hơn 122 triệu người theo dõi buổi phát trực tiếp và vận động được hơn 70 triệu USD, Nhà Trắng lại phải đối mặt với một loạt bê bối trong tuần qua.
Cựu chiến lược gia của Tổng thống Trump là ông Steve Bannon bị cáo buộc lừa đảo hàng trăm nghìn USD tiền ủng hộ cho quỹ We build the wall nhằm mục đích xây dựng một phần bức tường biên giới với Mexico do ông Trump khởi xướng.
Về phần mình, ông Bannon cho rằng cáo buộc của các công tố viên New York có liên quan đến mục đích chính trị.
Cựu cố vấn Steve Bannon của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty. |
Cùng lúc đó, Nhà Trắng đang cố gắng chống đỡ làn sóng phản ứng dữ dội từ nhiều nơi trên khắp nước Mỹ khi phản đối kế hoạch bỏ phiếu qua đường bưu điện nhằm hạn chế tiếp xúc do dịch Covid-19.
Tổng thống Trump cũng đang đối mặt rắc rối pháp lý và nhiều khả năng phải nhờ đến sự giúp đỡ từ Tòa án Tối cao hoặc các công tố viên.
Chưa dừng lại ở đó, phần lớn đảng viên Cộng hòa trong tuần qua cũng xảy ra những lục đục và chia rẽ về việc ủng hộ hay bài trừ thuyết QAnon – thuyết âm mưu cực hữu có liên quan đến Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông.
Giới quan sát cho rằng giữa những biến cố dồn dập, RNC tuần này có thể coi như cơ hội tốt nhất cho ông Trump thuyết phục nước Mỹ rằng ông xứng đáng ở lại vị trí đứng đầu Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.