- Theo học ngành ngân hàng, đây là lựa chọn của Vinh hay định hướng của gia đình?
- Ngay từ đầu em đã thích ngành kinh doanh, nhưng đến khi bố bắt đầu theo nghiệp ngân hàng, em cũng xác định con đường rõ ràng cho mình. Em học đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng, và cao học ngành tài chính và quản trị.
Gia đình rất tôn trọng lựa chọn của em. Bố nói nếu đã thích gì thì phải theo đến cùng, quyết tâm làm được.
- Vinh có dự kiến sẽ là nộp đơn làm việc ở một tổ chức tài chính nước ngoài trước khi về làm việc cho ngân hàng của bố. Tuy nhiên, ngành tài chính toàn cầu hiện khủng hoảng, cơ hội tìm kiếm cho cả người bản địa còn khó khăn, Vinh có tự tin với cơ hội của mình?
- Hiện tại, em vẫn tiếp tục tìm một cơ hội trong ngân hàng hoặc tổ chức tài chính tại Singapore hay Hong Kong để học cách quản lý, xây dựng hệ thống tại các đơn vị này, rút ra kinh nghiệm nhằm áp dụng khi trở lại Việt Nam. Chuyện xin việc hiện vẫn rất khó khăn với em, vì nhân sự ngành ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Trước đây khi bắt đầu xin việc tại Anh, em cũng gặp trường hợp tương tự khi nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu về kinh nghiệm hay ưu tiên người bản địa. Em cũng đã chuẩn bị những phương án khác cho mình, có thể là vị trí thấp tại SHB để tích lũy kiến thức trước khi nhận những nhiệm vụ lớn hơn.
- Vinh chịu những áp lực gì khi là con của một người nổi tiếng và giàu có?
- Khi còn trên ghế nhà trường, áp lực là phải học tập tốt. Khi ra trường, áp lực là phải tìm được công việc phù hợp. Nhưng cái khó nhất là là làm sao để vượt được qua cái bóng quá lớn của bố và khẳng định được mình. Trong tương lai, khi cùng san sẻ gánh nặng với bố, áp lực của em sẽ là làm được gì để phát triển những thành công mà bố và hàng ngàn nhân viên trong ngân hàng, tập đoàn đã và đang gây dựng nên.
Với Vinh, kinh doanh bóng đá cũng giống như làm thương hiệu, phải có chiến lược và sự đầu tư lâu dài. |
- Em có định theo nghiệp bóng đá giống như bố?
- Em thích kinh doanh bóng đá, học các mô hình quản lý ở nước ngoài chứ không giống như bố hay em trai lại yêu và thích chơi bóng. Trong gia đình, tình yêu bóng đá xuất phát từ bố, sau đó lan truyền tới các thành viên khác. Bà em cũng theo dõi các trận đấu có đội nhà, và vẫn đưa ra nhiều bình luận khiến cả nhà đôi lúc tròn mắt ngạc nhiên vì quá đúng.
Bố cũng cho em đi xem các mô hình quản lý bóng đá nước ngoài, và cũng không giấu kỳ vọng có thể xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam. Nếu có thể bắt tay với một đội bóng chuyên nghiệp để mở học viện, bố em muốn tìm tới những câu lạc bộ hạng nhất châu Âu, như Real Madrid hay Barcelona. Nhưng đó là về lâu dài, vì hiện tại, nền bóng đá của Việt Nam mới dần đi vào chuyên nghiệp, chưa có môi trường để phát triển, Vả lại, kinh doanh bóng đá cũng giống như làm thương hiệu, muốn xây dựng một học viện như thế không chỉ cần niềm đam mê, mà còn nhiều tài lực hơn thế.
- Là con trai của Chủ tịch SHB và ông chủ T&T, em nhận xét thế nào về bố mình?
- Với em, bố là ngọn núi cao. Bố em là một người quyết đoán, ông lập nghiệp trong thời điểm khó khăn và chặng đường sự nghiệp cũng có nhiều thăng trầm. Bố luôn quyết định mọi việc khi đã xét hết các yếu tố rủi ro, và một khi đã quyết là rất khó lung lay, nhưng ông không phải người quyết liệt đến mức cực đoan, đó là điều mà em luôn muốn học từ bố.
Với công việc, bố là người hết lòng. Đôi lúc em cảm giác bố như một cỗ máy gắn chíp, có thể làm việc từ 12h trưa đến đêm mà vẫn tỉnh táo, có thể nghe, nhận và phân tích các báo cáo bất cứ lúc nào. Bố làm việc quên ăn tối, đôi khi về nhà mới nhớ ra mình đã bỏ bữa, nhưng hễ rảnh lại dành thời gian cùng em trai em đi đá bóng.
Đi lên từ vị trí là một nhân viên, nên khi thành công, bố vẫn giữ cho mình cung cách giản dị. Với ông, mọi mối quan hệ luôn phải đặt sự thân tình và chia sẻ lên hàng đầu. Bố em luôn dùng nụ cười làm câu chào đầu tiên với người đối diện, em cũng học được điều đó từ ông.