"90 ngày đầu tiên" là tên một trong những cuốn sách trên bàn làm việc của Nguyễn Trung Tín, mới được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy (TTG) hôm 15/1, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 52 của thân mẫu, bà Dương Thanh Thủy, người sáng lập TTG.
Với chàng trai trẻ người Công giáo này, tập sách do Harvard Business Review xuất bản, đang được xem như tập Kinh Thánh thứ hai, “chỉ dẫn chiến thuật đặt câu hỏi đối với những người đương nhiệm”. Trong tháng đầu tiên tiếp quản cơ nghiệp do cha mẹ gầy dựng suốt 28 năm qua, Tín đã phỏng vấn 60 nhân sự của tập đoàn. “Có sáu, bảy vị trí cần phải thay thế, trong đó có những người có thâm niên”, Tín cho biết. Quá trình thay thế sẽ được thiết kế nhằm đảm bảo những người ra đi không mang theo thông tin nhạy cảm của tập đoàn.
Nguyễn Trung Tín, tân Tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy. |
Lướt qua tập sách mới thấy khá nhiều đoạn được Tín bôi vàng. Chỉ vào một hình vẽ được chọn ngẫu nhiên mô tả 4 trạng thái của các chi nhánh thuộc tập đoàn, Tín cho biết, TTG đang ở trong giai đoạn duy trì sự thành công. Dẫn trường hợp dự án căn hộ Landcaster mà TTG khai trương ở Hà Nội vào cuối năm ngoái, Tín nói: “Việc nghĩ rằng làm tốt bất động sản ở phân khúc thu nhập cao, anh làm tiếp, vô hình trung bỏ qua cơ hội ở những phân khúc thấp hơn, ở những ngành kinh doanh khác, chẳng hạn giải trí dành cho giới trẻ. Đây là đối tượng được dự báo sẽ tiêu dùng nhiều nhất vào năm 2020”.
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi vào cuối năm ngoái, bà Thủy tỏ rõ sự hãnh diện khi nhắc đến câu chuyện kinh doanh của cậu con cưng. Có lần hai vợ chồng bà rủ con đi ăn trưa. Tín xin phép đến trễ. Cậu bận rà lại quy trình sau khi phát hiện hụt mất hai lon nước ngọt. Trong khi người mẹ cho rằng “vài chục ngàn đồng đâu có đáng gì”, thì người con lại tiếp cận ở giác độ quản trị, cụ thể là trong quy trình có lỗ hổng. Kết quả tìm kiếm ra sao? “Không tìm được. Đến bây giờ vẫn vậy”, Tín trả lời, sau khi thừa nhận phải biết chấp nhận sự không hoàn hảo. Có lẽ cái thiếu lớn nhất của Tín so với thế hệ đi trước là kinh nghiệm. Theo Tín, kinh nghiệm là kết quả của hành động.
“Hai lon nước ngọt” là một chi tiết trong dự án kinh doanh đầu tiên của Tín, bar Sin Lounge được mở vào tháng 12/2011 nằm trong tòa nhà Landcaster (quận 1, TP.HCM) thuộc TTG. Tín thừa nhận quá trình khởi nghiệp, anh đã nhận được sự hậu thuẫn từ gia đình. Mặt bằng của bar vốn là một nhà hàng mà bà Thủy có phần hùn. Sau khi nhà hàng đóng cửa, Tín thuê lại để kinh doanh. Đối tượng khách hàng nhắm đến là thanh niên từng du học như Tín.
Tài trợ dự án là khoản vay 8 tỷ đồng từ cha mẹ theo lãi suất ngân hàng. Bắt tay vào kinh doanh giúp chàng trai trẻ thay đổi suy nghĩ, thấm thía giá trị của đồng tiền. “Đang sung sướng, chi vài triệu đồng cho bữa ăn không tiếc, tôi phải suy nghĩ để bán được chai bia giá 100.000 đồng, chưa kể còn bị khách càm ràm”, Tín nhớ lại. Gần nửa năm đầu mở cửa, kinh doanh khá ế ẩm. Một trong những nguyên nhân là phương án thiết kế không xuất phát từ quan điểm của người vận hành. Đóng cửa tạm ngưng hoạt động, Tín tự thiết kế, khiến chi phí đội thêm 2 tỷ đồng. Lật sổ tay giới thiệu một số mẫu phác thảo của mình, Tín cho biết thiết kế vốn là niềm đam mê của mình. Quyết định rẽ ngang sang ngành quản trị và thương mại là xuất phát từ mong muốn của gia đình.
Câu chuyện thiết kế không phải là cú vấp duy nhất trên chặng đường khởi nghiệp của Tín. Đáo hạn hợp đồng, nhà cung cấp rượu cho Sin Lounge yêu cầu giảm 50% giá trị tài trợ. “Tôi đinh ninh hợp đồng sẽ tự động tái tục do quan hệ hợp tác khá tốt đẹp. Hóa ra chuyện đôi bên cùng thắng chỉ có giá trị tương đối. Sẽ có bên thắng nhiều, bên thắng ít”, Tín nói.
Đến thời điểm này, hóa đơn giá trị cao nhất vẫn thuộc về Eduardo Saverin. Người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook này đã bỏ ra 300 triệu đồng để bao trọn một đêm ở Sin Lounge. Hơn một năm kinh doanh, Tín trả hết cả gốc lẫn lãi. Sau khi trả thêm nửa triệu USD chi phí cha mẹ chu cấp cho cậu đi học trong 6 tháng tiếp theo, Tín vẫn còn dư nửa triệu USD.
Kết quả kinh doanh khả quan của Sin Lounge đã thúc đẩy Tín mở thêm bar ACE vào tháng 10/2013. Cũng như dự án đầu tiên, ACE sử dụng mặt bằng là bất động sản của TTG. Sau 4 tháng, hệ thống vận hành ổn định, Tín quay trở lại TTG, tiếp nhận vai trò điều hành công ty gia đình nhưng anh xác nhận cha mẹ vẫn buông rèm nhiếp chính.
Xét theo tiêu chí vòng quay của tiền, có thể chia hoạt động kinh doanh của TTG thành 2 mảng. Nếu như dòng tiền từ dịch vụ thương mại (gồm spa, nhà hàng, cho thuê bất động sản, hàng lưu niệm, trạm dừng...) có vận tốc quay nhanh thì bất động sản chậm hơn. Kết thúc năm 2013, mảng dịch vụ thương mại đạt doanh thu 300 tỷ đồng. “Mảng kinh doanh tạo ra dòng tiền nhanh khiến tôi vững tâm hơn khi ngồi vào ghế nóng”, Tín nói. Khác với người tiền nhiệm giao chỉ tiêu từng năm, Tín đặt chỉ tiêu kinh doanh cho các chi nhánh theo tháng. Nhờ vậy, tập đoàn có thể kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Dường như với người kế nghiệp TTG, mảng dịch vụ vẫn còn dư địa tăng trưởng, trở thành cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn con số 10% doanh thu năm 2013, khoảng 13%. Con số này là một áp lực rất lớn, theo người kế nghiệp TTG vào tận giường ngủ. Ngay cả niềm đam mê với golf Tín cũng gác lại, ít nhất 10 năm. Tín mới 27 tuổi.