Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp giá trần dầu Nga, phương Tây có thể rước lấy khủng hoảng

Phương Tây muốn áp giá trần dầu Nga để ngăn Moscow kiếm tiền từ xung đột, đồng thời ổn định thị trường dầu. Nhưng khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra nếu kế hoạch phản tác dụng.

Mỹ muốn áp giá trần dầu Nga để chặn nguồn thu của Moscow, nhưng vẫn không gây gián đoạn cho thị trường toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, kế hoạch trừng phạt của châu Âu đối với dầu Nga bị nghi phản tác dụng. Khi giá năng lượng tăng cao, hậu quả giáng lên các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và những quốc gia khác sẽ rất lớn.

Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một giải pháp. Đó là áp giá trần đối với dầu Nga.

Theo kế hoạch, những công ty nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá. Mức giá trần sẽ cao hơn chi phí sản xuất của Nga, nhưng không cao hơn quá nhiều, để duy trì động lực xuất khẩu, đồng thời giảm doanh thu từ năng lượng của Nga.

ap gia tran anh 1

Các tàu chở dầu ở vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, vào ngày 12/8. Ảnh: Tatiana Meel/Reuters.

Gây nhiều nghi ngại

Kế hoạch được đưa ra hồi tháng 5, sau khi các bộ trưởng tài chính của G7 thảo luận về ý tưởng này trong cuộc họp ở Bonn (Đức). Nhưng trong nhiều tuần, đề xuất không đạt nhiều tiến bộ, ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tích cực kêu gọi trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bước đột phá đã xuất hiện vào cuộc họp ngày 2/9 của các bộ trưởng tài chính G7. Tại đó, nhóm chính thức thông qua kế hoạch.

Tuy nhiên, những rào cản và hoài nghi vẫn còn. Các quốc gia EU phải nhất trí bổ sung ngoại lệ đối với những lệnh trừng phạt. Trong khi đó, một số thành viên như Hungary không coi kế hoạch này là cần thiết hay thích hợp.

Một số chuyên gia, thương nhân và giám đốc trong ngành năng lượng thậm chí khẳng định chắc chắn rằng kế hoạch sẽ thất bại.

ap gia tran anh 2

Theo kế hoạch áp giá trần, những công ty nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá. Ảnh: Reuters.

"Đó là một ý tưởng nực cười", ông Gal Luft - đồng giám đốc tại Viện Phân tích An ninh Toàn cầu - nói với CNBC.

Theo giới quan sát, nếu Trung Quốc và Ấn Độ - hai khách hàng lớn của dầu Nga - không tham gia, kế hoạch áp trần giá dầu chắc chắn sẽ thất bại.

Theo bà Helima Croft - nhà phân tích thị trường dầu tại RBC Capital Markets, kế hoạch áp giá trần nhằm ngăn chặn sự gián đoạn trên thị trường toàn cầu.

"Chìa khóa nằm ở chỗ liệu các thùng dầu Nga có tiếp tục chảy sang châu Á hay không", bà bình luận.

Nguy cơ phản tác dụng

Trên thực tế, kế hoạch áp giá trần không bào mòn doanh thu từ năng lượng của Điện Kremlin như Washington mong muốn. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ chặn đà tăng của giá dầu.

Ngoài ra, EU và đa số thành viên G7 không nhập khẩu nhiều dầu từ Nga qua đường biển. Các khách hàng lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nếu Nga chỉ còn 3 khách hàng lớn, Moscow sẽ mất đi lợi thế trong việc thương lượng giá", ông Julian Lee - chiến lược gia về dầu mỏ của Bloomberg - nhận định. "Trong khi đó, các khách hàng sẽ không bỏ qua lợi thế đó", ông nói thêm.

Đó là kịch bản mà các bộ trưởng tài chính trông đợi, dù thông qua việc áp giá trần hay tăng lợi thế thương lượng cho người mua.

Nếu Nga chỉ còn 3 khách hàng lớn, Moscow sẽ mất đi lợi thế trong việc thương lượng giá

Ông Julian Lee - chiến lược gia về dầu mỏ của Bloomberg

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về kịch bản nhiều rủi ro hơn. Theo ông Craig Kennedy tại Davis Center for Russian and Eurasian Studies (thuộc Đại học Harvard), ít nhất 50% lượng dầu xuất khẩu của Nga, tức khoảng 7,5 triệu thùng/ngày, có thể bị mắc kẹt tại Nga bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Nguyên nhân là các khách hàng không tham gia kế hoạch áp giá trần sẽ không thể sử dụng dịch vụ vận chuyển từ những nơi khác.

Theo ông Kennedy, Nga có thể đối mặt với một lựa chọn khó khăn, hoặc bán dầu cho những quốc gia tham gia kế hoạch áp giá trần, hoặc giới hạn sản lượng để đẩy giá bán lên cao.

Đó không phải một lựa chọn dễ dàng cho Điện Kremlin. Bởi điều này khiến Nga không chỉ mất thêm doanh thu từ dầu, mà còn tạo ra thiệt hại lớn đối với các giếng dầu của nước này.

Điều đó có thể thúc đẩy Moscow đe dọa dừng xuất khẩu dầu và khí đốt trước tháng 12 - thời điểm các lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực. Động thái này sẽ nhằm làm suy yếu quyết tâm của phương Tây.

"Cách tốt nhất để đạt mục tiêu là đẩy nhanh một cuộc khủng hoảng năng lượng", ông Kennedy bình luận. "Tổng thống Putin muốn gửi đi thông điệp rằng, các động thái trên sẽ khiến phương Tây tổn thương nhiều hơn Nga", vị chuyên gia nói thêm.

Nếu kịch bản đó xảy ra, châu Âu và Mỹ sẽ bị đẩy vào thế khó, hoặc rút lại các lệnh trừng phạt và kế hoạch giới hạn giá, hoặc đương đầu với một cuộc khủng hoảng năng lượng mà ban đầu, Washington đã lên kế hoạch để phòng tránh.

Câu hỏi lớn nhất cho Fed

Điều được giới đầu tư toàn cầu quan tâm nhất không phải động thái nâng lãi suất tiếp theo của Fed, mà là kế hoạch hạ nhiệt lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong tương lai.

Fed đẩy cuộc chiến chống lạm phát về phía Tổng thống Biden

Chủ tịch Fed khẳng định rằng cần đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát. Nhưng nếu kế hoạch thất bại, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết hậu quả.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm