Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, Zing đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở Việt Nam.
“Việc nghiên cứu hộ chiếu vaccine đã được các Bộ nghiên cứu ra sao? Trước đề xuất của Quảng Nam chấp nhận hộ chiếu vaccine, Chính phủ đã có câu trả lời hay chưa?”, câu hỏi nêu.
Trả lời Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ này vẫn đang cùng các bộ ngành nghiên cứu thêm về “hộ chiếu vaccine”, mục tiêu xem xét quyết định thời điểm phù hợp để áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Tùng Hiếu. |
Ông Thuấn thông tin các nước trên thế giới vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng chỉ khi có được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm vaccine trở lên. Trong khi đó, chưa có loại vaccine nào có hiệu quả tới 100%.
“Bộ Y tế sẽ xem xét đầy đủ để áp dụng hộ chiếu vaccine để đảm bảo và an toàn. Giai đoạn hiện nay bên cạnh việc tiêm chủng cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt các biện pháp này góp phần đẩy lùi dịch bệnh”, ông Thuấn nói.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA) đã đưa ra khuyến nghị tới nhiều nước, trong đó có Việt Nam về travel pass - thẻ đi lại giữa các nước có phổ cập vaccine theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thẻ này hay được gọi là "hộ chiếu vaccine". Nghĩa là khi có thẻ này, cá nhân có thể đi lại giữa các nước mà không phải cách ly y tế.
Một hình thức khác của hộ chiếu vaccine là việc thực hiện bong bóng đi lại song phương giữa hai quốc gia hoặc nội bộ vùng.
Chính phủ từng ra chỉ đạo về việc nghiên cứu "hộ chiếu vaccine" để đón đầu xu hướng phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Cũng tại họp báo Chính phủ, ông Trần Văn Thuấn cũng trả lời về việc quản lý y tế với chuyên gia nước ngoài, một trong những nguy cơ gây nên dịch Covid-19.
"Việt Nam không cấm chuyên gia, song phải đúng người và thực sự hiệu quả về công việc và công tác phát triển kinh tế - xã hội", ông nói.
Ông Thuấn cho biết Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải để xem xét tùy vào từng trường hợp để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
“Đưa chuyên gia vào phải hiệu quả nhưng cũng phải an toàn”, ông Thuấn nói.