Những ngày qua, thông tin ca sĩ Sơn Tùng M-TP chia tay một mối tình lâu năm, bắt đầu hẹn hò người mới thu hút sự quan tâm lớn của nhiều khán giả. Nhiều người cho rằng Hải Tú là “kẻ thứ 3” dù thông tin này vẫn chỉ là suy diễn từ các hội nhóm mạng xã hội.
Ngày 22/1, trang fanpage Crow On Hyenas (cộng đồng hiphop) đăng tải thông tin MV Blue Tequila của Táo trên mạng đang bị nhiều người "tấn công" bằng hình thức nhấn dislike (không thích).
“Chuyện nào hãy ra chuyện đó, đừng lôi những sản phẩm vào vòng xoáy drama. Một tác phẩm như thế này không xứng đáng phải chịu những điều tiếng từ vấn đề bên ngoài. Âm nhạc là để kết nối và chữa lành”, nội dung đăng tải trên trang fanpage Crow On Hyenas.
Bên dưới bài viết thu hút gần 1.000 bình luận, đa số ý kiến đều cho rằng âm nhạc của Táo không liên quan đến Hải Tú. Vì thế, những người anti-fan Hải Tú nên có những hành động văn minh.
“Mình biết ngay mà, MV có sự xuất hiện của Hải Tú nên bị những anti-fan thiếu suy nghĩ vào dislike. Những nghệ sĩ từng mời Hải Tú đóng MV chắc giờ cũng hoang mang lắm”, tài khoản Nguyễn Nam bình luận.
Rapper Pjpo (Nguyễn Cao Kỳ) cũng lên tiếng trước những hành động của anti-fan Hải Tú. "Mong mọi người cùng nhau chia sẻ để anti-fan ngừng tấn công MV của Táo", Pjpo chia sẻ trên trang cá nhân.
MV Blue Tequila bị nhiều tài khoản dislike vì Hải Tú làm nữ chính. |
MV Blue Tequila được đăng tải vào ngày 27/8/2020. Trước ngày 22/1, MV này có 1,6 nghìn dislike, hiện tại con số này đã tăng lên 7,7 nghìn lượt dislike.
Zing đã liên hệ phía đại diện của Táo. Nam rapper từ chối phát ngôn về vụ việc.
Không chỉ MV Blue Tequila, nhiều tài khoản còn để lại bình luận tiêu cực trên kênh YouTube của Hải Tú.
Trên Facebook, nhiều nhóm anti-fan Hải Tú được thành lập. Trong đó, một số nhóm có lượng thành viên lên từ 150.000 đến hơn 300.000 người. Sơn Tùng M-TP và Hải Tú nhận về nhiều bình luận chửi rủa, xúc phạm.
Đáng chú ý, một số quản trị viên đứng sau các nhóm anti-fan chuyên làm dịch vụ Facebook như lên tick xanh, xóa tài khoản Facebook hay rao bán fanpage, nhóm. Sau khi hội, nhóm được nhiều thành viên tham gia, các quản trị viên có thể đổi tên hoặc bán để xây dựng các nhóm bán hàng.
Đây không phải lần đầu tiên người nổi tiếng bị tấn công trên mạng xã hội. Đầu tháng 11/2020, Hương Giang bị nhiều người lập nhóm anti, phản đối khi dẫn chương trình smartphone. Anti-fan cũng tấn công chương trình Hoa Hậu Việt Nam vì Hương Giang là khách mời.
Bên cạnh đó, trang tri thức Wikipedia của Hương Giang cũng bị chỉnh sửa thông tin. Một số người đã thay đổi tên của Hương Giang thành "Thích Hương Đạo Lý Giang" hay "Hieuthuba"…
Các group "anti" nuôi dưỡng sự thù hận, dẫn đến các hành vi tấn công mạng, bạo lực là một trong những vấn đề đau đầu của Facebook trong năm 2020. Mạng xã hội này đã có những chiến dịch truy quét, nhưng chủ yếu hướng đến các nhóm có thể gây ra bạo lực, xung đột... và chưa xử lý triệt để các nhóm được lập ra để tấn công một cá nhân riêng lẻ.
Vào ngày 7/2020, đáp lại việc hơn 700 nhà quảng cáo tham gia phong trào tẩy chay #FacebookStopHateforProfit, phó chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu và truyền thông của Facebook Nick Clegg đã mô tả một loại thuật toán mới của Facebook, có khả năng nâng cao giá trị đạo đức của nền tảng mạng xã hội này. Đồng thời ông Clegg khẳng định nền tảng này không dùng sự thù ghét để kiếm lợi nhuận.