Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ánh Viên và nỗi khổ của người 'vô đối'

Đã là VĐV, dù ở tầm “vô đối” thì cũng cần được thi đấu thường xuyên. Chuyện Ánh Viên bị cấm dự giải VĐQG là do mâu thuẫn của người lớn, và ở giữa, cô thiệt đơn thiệt kép.

Mâu thuẫn nội bộ, Ánh Viên không được dự giải quốc gia

Kình ngư người Cần Thơ thuộc biên chế đoàn Quân đội. Bởi vậy, việc HLV Đặng Anh Tuấn đăng ký cho Ánh Viên thi đấu với tư cách đoàn khác là không được phép.

Trong một diễn biến mới nhất, HLV Đặng Anh Tuấn đã “phản pháo” rằng ông và học trò về nước là để làm visa tranh tài tại giải châu Á ở Nhật Bản (11/2016). Kế hoạch này đã thống nhất từ trước với Tổng cục TDTT chứ không phải… vô tổ chức.

Thêm nữa, Ánh Viên đăng ký 17/17 nội dung thi là nhằm mục đích tận dụng giải VĐQG để kiểm tra phong độ, không phải tranh chấp huy chương. “Đăng ký 17 nhưng không có nghĩa là Ánh Viên thi đấu đủ cả 17 nội dung”, ông Tuấn cho hay.

Anh Vien bi cam thi dau anh 1
Ánh Viên bị cấm thi đấu cho Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM, trong khi đơn vị chủ quản Quân đội thì không chấp nhận kình ngư này đăng ký tất cả nội dung.

Riêng về chuyện tự đăng ký Ánh Viên bơi cho Trung tâm Huấn luyện thể thao QG TP.HCM, ông Tuấn giải thích rằng đó là do đoàn Quân đội không chấp nhận đề xuất của ông, khiến ông buộc phải tìm đơn vị khác để học trò được thi đấu.

Dĩ nhiên, việc thay đổi màu cờ sắc áo của ông Tuấn là khá “ngẫu hứng”, và Tổng cục TDTT cũng đã bác bỏ chuyện này bằng cách không chấp nhận tư cách dự giải VĐQG của Ánh Viên. Nhưng ở góc độ chuyên môn, kế hoạch tập luyện của ông Tuấn cần được ghi nhận, và quan trọng hơn, Ánh Viên cần được bơi.

Với quyết định của ban tổ chức, Ánh Viên coi như sẽ tập chay cho đến tháng 11, khi cô sang Tokyo tranh giải vô địch châu Á. Đó không phải điều kiện lý tưởng, dù ai cũng hiểu ở tầm Ánh Viên, bơi trong nước không mang nhiều ý nghĩa cải thiện các chỉ số.

Kình ngư “vô đối” vậy là sẽ tập không đối thủ. Không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn, “con cá hô đáng yêu” còn mệt mỏi vì mang tiếng ôm đồm, vơ vét huy chương và khi bị nâng cao quan điểm, sự xuất hiện của Ánh Viên đồng nghĩa với việc ngáng trở thành tích của các đoàn khác.

Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, VĐV tài năng vượt trội bị coi là vật cản bước tiến phong trào, đơn vị sở hữu VĐV tài năng vượt trội đó thì… sợ nguy cơ độc chiếm bảng vàng. Thật nghịch lý khi không nâng tầm được các VĐV trong nước, người ta lại tìm cách “cào bằng” với việc hạn chế khả năng của Ánh Viên.

Đó là sự thật, khi Quân đội chủ động rút gần một nửa nội dung thi đấu của Ánh Viên để các đối thủ còn có “cửa” mà cố gắng. HLV Đặng Anh Tuấn thì phản đối kịch liệt chủ trương này.

Anh Vien bi cam thi dau anh 2
HLV Đặng Anh Tuấn mâu thuẫn với đơn vị chủ quản của Ánh Viên, một ca khó xử khi Ánh Viên là nạn nhân chịu trận cả hai đầu. 

Ông Tuấn trực tiếp huấn luyện Ánh Viên, nhưng đoàn Quân đội mới là nơi trả lương, đài thọ chi phí ăn tập cho cô gái Cần Thơ. Mâu thuẫn giữa một bên là thầy, một bên là “bầu sữa mẹ”, ở giữa chỉ có Ánh Viên là khó xử.

Làng bơi Việt Nam vốn khan hiếm tài năng, nhưng lại dồi dào những vụ lùm xùm. Võ Trần Trường An giải nghệ sớm, Hoàng Quý Phước “già trước tuổi” hay Nguyễn Diệp Phương Trâm sa vào kiện tụng mới đây đều do xung đột với đơn vị chủ quản của mình.

Hy vọng Ánh Viên, một tài năng “ngoại hạng”, cũng sẽ là “ngoại lệ” với những chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt kia. Đừng biến niềm hy vọng châu Á và Olympic hiếm hoi thành nạn nhân của những cái tôi quá lớn. 

 

Giải bơi VĐQG 2016 diễn ra từ ngày 17 đến 22/10, Ánh Viên được đăng ký 17/17 nội dung trong màu áo Trung tâm HLTTQG TP.HCM, nhưng ban tổ chức kết luận cô không được thi đấu. Năm 2015, Ánh Viên độc chiếm bảng vàng với 16 HCV cho đoàn Quân đội.


Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm