Trong ngày 23/9, đoàn Việt giành được 5 HCĐ gồm: đồng đội kiếm 3 cạnh nam (đấu kiếm), Nguyễn Thanh Tùng (wushu: thái cực kiếm - thái cực quyền), Tân Thị Ly (wushu tán thủ hạng 60 kg nữ), Ngô Văn Sỹ (wushu tán thủ hạng 75 kg nam), Nguyễn Thị Ánh Viên (400 m bơi hỗn hợp cá nhân nữ). Tính đến 20h ngày 23/9, đoàn Việt Nam xếp thứ 10 với 1 HCV, 2 HCB, 9 HCĐ.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi giành HCĐ Asian Games, Ánh Viên cho biết: "Viên cảm thấy vui và muốn tặng chiếc HCĐ này cho thầy Đặng Anh Tuấn. Việc thành tích của Viên vào buổi sáng chưa tốt là do tính toán chiến thuật của HLV. Đây là thành tích tốt nhất của Viên từ trước đến nay và sẽ cố gắng để cải thiện trong thời gian tới. Tấm huy chương này là động lực để Viên phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa".
Ánh Viên đã lập thành tích bất ngờ khi ở vòng loại cô chỉ đứng thứ bảy với khoảng cách không nhỏ với các tay bơi đứng trên. Thêm nữa, thành tích đăng ký của các đối thủ Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mức tốt nhất của Ánh Viên đến 5-6 giây nên rất ít người chờ đợi vào bất ngờ.
Ánh Viên trả lời báo chí sau khi giành HCĐ nội dung 400 m hỗn hợp tại Asian Games. Ảnh: Hồng Vân. |
Thành tích của Ánh Viên khiến giới truyền thông bất ngờ. Ảnh: Hồng Vân |
Thế nhưng, kình ngư đất Cần Thơ đã xuất sắc về đích thứ ba với thành tích tốt nhất của cô từ trước đến nay là 4 phút 39 giây 65, giảm đến 7 giây so với thành tích ở vòng loại. Người về đích đầu tiên vẫn là đương kim vô địch Olympic Ye Shiwen (Trung Quốc) với 4 phút 32 giây 97, đồng thời là kỷ lục Asian Games mới. Đứng thứ nhì là Sakiko Shimizu (Nhật Bản) với 4 phút 38 giây 63.
Ánh Viên một lần nữa làm nên lịch sử cho bơi lội Việt Nam. Ảnh: Getty Images. |
Trong suốt chặng đua, Ánh Viên luôn nằm trong top 3, thậm chí có thời điểm cô vươn lên đứng thứ hai từ khoảng 150 m đến 250 m. Tuy nhiên, trong phần thi bơi ếch không phải sở trường, Viên để Shimizu vươn lên lấy lại vị trí thứ nhì ở vạch 300 m. Đến 100 m bơi tự do cuối cùng, cô gái Việt Nam rút ngắn được khoảng cách nhưng không đủ để vươn lên đứng thứ hai.
Ánh Viên nước rút về đích. Ảnh: Hồng Vân. |
Dù sao, đây cũng là chiến tích chưa từng có trong lịch sử bơi lội Việt Nam bởi đây là tấm huy chương Asian Games đầu tiên trên đường đua xanh. Trước đó, Ánh Viên từng giành 1 HCB và 1 HCĐ ở giải vô địch châu Á 2012 nhưng tính cạnh tranh ở cuộc thi đó kém xa ở Asian Games.
Chỉ số 4 phút 39 giây 65 của Ánh Viên cũng chính là kỷ lục Đông Nam Á mới. Thành tích này vượt thành tích tốt nhất của Viên trước đây là 4 phút 41 giây 68 đến 2,03 giây. So với mức HCB mà Viên từng giành được ở SEA Games 2011 là 4 phút 54 giây 65 thì cô gái vàng bơi lội Việt Nam đã rút ngắn thành tích được tròn 15 giây. Con số này cũng tương đương với gần 3 năm tập huấn theo giáo án hiện đại ở Mỹ của thầy trò Ánh Viên.
Lần này, Ánh Viên phải đối mặt với những đối thủ mạnh nhất, trong đó đáng kể là đối thủ cùng vòng loại với cô là Ye Shiwen (Trung Quốc). Tay bơi đương kim vô địch Olympic này là người đang giữ kỷ lục thế giới với thành tích 4 phút 28 giây 43, hơn chỉ số tốt nhất của Ánh Viên (4 phút 41 giây 68) đến hơn 13 giây. Ngoài ra, các tay bơi Zhou Min (Trung Quốc), Sakiko Shimizu, Miho Takahashi (Nhật Bản) đều từng bơi dưới mức 4 phút 36 giây, vượt mức tốt nhất của Ánh Viên hơn 5 giây.
Ánh Viên thi đấu xuất sắc ở nội dung chung kết. Ảnh: Getty Images. |
Trước đó ở lượt bơi vòng loại thứ hai, Ánh Viên về đích ở vị trí thứ ba với 4 phút 46 giây 77, kém người thứ nhì Zhou Min (Trung Quốc) 65% giây. Cũng ở lượt bơi này, Ye Shiwen (Trung Quốc) chứng tỏ đẳng cấp khi đạt mức 4 phút 38 giây 21.
Trong sáng 23/9, Hoàng Quý Phước và Lâm Quang Nhật tham dự vòng loại 400 m tự do nam. Hoàng Quý Phước chỉ đứng thứ sáu ở lượt bơi vòng loại thứ ba với thành tích 3 phút 58 giây 71. Trong khi đó, Lâm Quang Nhật đứng thứ năm ở lượt vòng loại thứ hai với chỉ số thấp hơn 4 phút 2 giây 73. Cả hai tay bơi Việt Nam đều không có mặt ở đợt bơi chung kết, nhưng Quý Phước vẫn có hy vọng nhỏ với vị trí dự bị (nếu 1 trong 8 tay bơi thi chung kết không dự tranh thì Quý Phước được thay thế).
Nguyễn Thanh Tùng đứng thứ ba trong bài thi Thái cực kiếm. Ảnh: Getty Images. |
Trong môn wushu, cựu hot boy Vietnam Idol Nguyễn Thanh Tùng đã giành HCĐ với tổng số điểm là 19,24. Ở bài thi thái cực quyền, chàng võ sĩ điển trai, hát hay này chỉ đứng thứ tư sau các đối thủ Chen Youli (Trung Quốc, 9,78 điểm), Daniel Parantac (Philippines, 9,68 điểm), Nyein Chan Ko Ko (Myanmar, 9,65 điểm).
Trước đó, cựu vô địch thế giới Nguyễn Thanh Tùng đứng thứ ba ở bài thi thái cực kiếm với 9,62 điểm. Đứng đầu bài thi này là Chen Zhouli (9,77 điểm), tiếp theo là Yoshihiro Sekiya (Nhật Bản, 9,64 điểm). Ngoài ra, còn có 2 VĐV cũng đạt 9,62 điểm như Nguyễn Thanh Tùng là Lee Yang (Malaysia) và Hsiao Yung Jih (Đài Loan).
Tổng điểm sau 2 nội dung, Nguyễn Thanh Tùng đứng thứ ba với 19,24 điểm, kém Chen Youli (19,55 điểm) và Daniel Parantac (19,26 điểm), giành HCĐ.
Ở nội dung trường quyền nữ, nhà vô địch SEA Games Hoàng Thị Phương Giang chỉ đứng thứ tư với 9,62 điểm, kém các đối thủ Ken Wenkong (Trung Quốc, 9,75 điểm), Geng Xiaoling (Hong Kong, 9,65 điểm), Tan Yan Ni (Singapore, 9,63 điểm).
Trong buổi chiều 23/9, 3 VĐV wushu Tân Thị Ly (hạng 60 kg nữ), Bùi Trường Giang (56 kg nam) và Ngô Văn Sỹ (75 kg nam) bước vào các trận bán kết tán thủ. Tân Thị Ly gặp đối thủ mạnh Wang Cong (Trung Quốc) nên nhanh chóng nhận thất bại 0-2 và giành HCĐ. Bùi Trường Giang thắng đối thủ Lào Soukaphone 2-0 để giành quyền vào chung kết.
Ở môn đấu kiếm, đội kiếm 3 cạnh nam lần lượt vượt qua Mông Cổ 45-24 và Kuwait 45-38 để giành quyền vào bán kết. Trước đương kim vô địch Asian Games Hàn Quốc có trình độ vượt trội, đội Việt Nam thua 25-45 và nhận HCĐ. Đội kiếm chém nữ Việt Nam thất thủ 42-45 trước Hong Kong ở tứ kết nên không giành được huy chương.
Trong bài thi cá nhân, xạ thủ Hà Minh Thành (từng bắn vượt kỷ lục Olympic 6 điểm) thi đấu không thành công khi đứng thứ 10 sau nửa bài thi với 287 điểm. Các đồng đội Kiều Thanh Tú, Bùi Quang Nam đang tạm xếp thứ 12 và 20.
Bắn súng VN đứng thứ tư nội dung đồng đội 25 m súng ngắn bắn nhanh nam sáng nay với 850 điểm, chỉ kém đội đứng trên là Ấn Độ 1 điểm. Ở lượt bắn thứ ba quyết định, xạ thủ Bùi Quang Nam chỉ đạt mức 85 điểm dù số điểm ở 2 lượt bắn trước của anh khá tốt (97 và 94 điểm). Đứng đầu là đội Trung Quốc đạt 876 điểm, còn Hàn Quốc với 875 điểm đứng thứ hai.
Vào lúc 16h, các VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Vân Anh và Đỗ Thị Thu Huyền bước vào thi toàn năng nữ. Riêng Phan Thị Hà Thanh chủ động không đăng ký thi toàn năng để tập trung giành huy chương đơn môn. Cô gái đất cảng Hải Phòng đã giành quyền vào thi chung kết ở 3 nội dung là nhảy chống, thể dục tự do và cầu thăng bằng, trong đó nội dung cô có nhiều hy vọng giành huy chương nhất là nhảy chống.
BXH Top 10 Asian Games 17 (ASIAD 17) tính đến chiều 23/9. |