Những ngày đầu tháng 6, bận rộn với công việc huấn luyện đội bơi của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9), nhưng HLV Võ Thanh Bình vẫn thu xếp thời gian xem cô học trò Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu tại SEA Games 28.
Gắn bó với Ánh Viên khá lâu nên mỗi khi nhắc tới cô học trò cưng, gương mặt anh lại giãn ra, giọng nói đầy tự hào. Anh bảo, năm 2007, sau khi Ánh Viên bộc lộ tài năng ở các giải Hội khỏe Phù Đổng, Trung tâm đã thuyết phục em về đầu quân.
Hồ bơi của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9), nơi Ánh Viên ăn tập đầu tiên. |
Các HLV của Trung tâm nhận thấy ở cô bé đen nhẻm, cao gầy đó những tố chất của một tài năng lớn bởi thể hình Viên phù hợp với môn bơi. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Trung tâm còn thiếu nên VĐV hợp đồng như Viên chỉ nhận được vỏn vẹn 25.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.
Theo lời anh Bình, sau 3 tháng tập luyện, kình ngư ở rạch Ba Cao đã giành HCĐ một giải đấu trẻ tại Đồng Tháp. Tấm huy chương này mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần để Ánh Viên phấn đấu bởi khi đó Ban tổ chức không thưởng tiền.
Từ đó, Ánh Viên lao vào tập luyện, không chịu kém cạnh ai trên đường bơi. Lần thi đấu ở giải trẻ, Viên về sau VĐV của TP HCM chỉ nửa thân người và cô đã khóc cả buổi. Nhưng sau đó, Viên quên ngay, tập luyện hăng hơn để nâng cao thành tích.
Được rèn luyện trong môi trường nghiêm khắc của quân đội, Ánh Viên tự lập rất sớm, ý thức được việc làm của mình. Lúc đó, kinh tế của gia đình khó khăn nên trong thâm tâm Viên, đến với môn bơi để đỡ đần cho bố mẹ, ông bà.
Để đạt được những thành công trên đường đua xanh, trở thành một trong những VĐV có thu nhập cao nhất của thể thao Việt Nam hiện nay, Ánh Viên phải hy sinh nhiều thứ, kể cả việc không… được khóc.
Nhắc lại kỷ niệm suốt 4 năm tập huấn ở Mỹ, Viên chỉ một lần gọi điện về nhà trong trạng thái... nức nở, ông Nguyễn Văn Tác (bố Ánh Viên) bảo, đó là dịp Tết 2012 khi cô mới qua Mỹ được vài tháng.
"Cháu được thầy Đặng Anh Tuấn dẫn đến nhà một người bạn chơi. Thấy bạn của thầy có con trai cũng trạc tuổi cậu em ở nhà, Viên tủi thân bật khóc. Rồi cháu mượn điện thoại của thầy gọi điện về rấm rứt: 'Con nhớ mọi người quá'. Lúc đó, tôi cũng nghẹn ngào, thương cháu lắm”, ông Tác kể.
Căn nhà mới được bố Ánh Viên xây lại đầu năm 2012 với kinh phí trên 200 triệu đồng, trong đó Ánh Viên góp một nửa. |
Tuy nhiên, chính sự thăng tiến về nghề nghiệp đã giúp Ánh Viên trở thành VĐV có thu nhập cao trong làng thể thao Việt Nam. Năm ngoái, cô được thưởng hơn 1 tỷ đồng từ Tổng cục TDTT và Quân khu 9 nhờ hàng loạt giải đấu thành công.
Kình ngư sinh năm 1996 này đoạt 1 HCV Olympic trẻ, 2 HCĐ ASIAD, 9 HCV giải vô địch Đông Nam Á và 20 huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc, trong đó có 17 HCV/17 nội dung cá nhân tham dự.
Ngoài tiền thưởng, Ánh Viên còn nhận mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Cô là VĐV duy nhất được vào biên chế của đội bơi ở trung tâm.
Còn năm nay, với thành tích đoạt 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ cùng việc phá 8 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên có thể được nhận không dưới 1 tỷ đồng tiền thưởng và hiện vật. Theo quy định của ngành, Ánh Viên nhận được 405 triệu đồng cho 10 huy chương (45 triệu đồng 1 HCV, 25 triệu cho 1 HCB và 20 triệu cho HCĐ).
Ngoài ra, cô có thể nhận thêm 120 triệu đồng tiền phá 8 kỷ lục (15 triệu đồng mỗi kỷ lục), chưa kể tiền thưởng nóng cho VĐV, với mức 10 triệu đồng cho mỗi HCV. Kình ngư 19 tuổi cũng sẽ nhận rất nhiều hiện vật có giá trị như xe máy, TV 40 inch, smartphone, vé máy bay khứ hồi… từ các nhà tài trợ của Đoàn Thể thao VN.
Lối nhỏ vào nhà Ánh Viên mới được bê tông hóa. Trước đó, đây là đường đất, do gần rạch nên có rất nhiều cầu khỉ. |
Kiếm được nhiều tiền nhưng từ vài năm nay Ánh Viên gần như không tiêu đến bởi đi tập huấn, thi đấu triền miên. Để cho bố mẹ giữ thẻ ngân hàng của mình nhưng Ánh Viên có mục đích rõ ràng với tài sản kiếm được.
“Cháu nó nói với tôi sẽ cố gắng tích luỹ tiền để sau này kiếm một căn nhà khang trang ở trung tâm thành phố để tiện đi làm cũng như bố mẹ đỡ vất vả di chuyển”, bố của Ánh Viên cho biết.
Kinh tế của gia đình Ánh Viên cũng khấm khá hơn so với cách đây vài năm. Ngoài 3 công ruộng (tương đương 1000 m2), ông Tác còn trồng hơn 1.400 gốc cam, hàng chục gốc sầu riêng, chăn nuôi nên có cuộc sống khá dư dả. Thỉnh thoảng ông xuống Hậu Giang phụ giúp anh trai làm ruộng. Ở quê, gia đình cô có một cuộc sống bình dị, không ngừng lao động chứ không dựa dẫm vào cô con gái tài năng.
Bố mẹ của Ánh Viên không dựa vào con gái. |
Nguyễn Quang Thuấn (9 tuổi, em trai của Ánh Viên) cũng đang tiếp bước người chị. Một lần, cậu đến Trung tâm chơi, nhảy xuống hồ bơi thử. Các thầy giáo thấy em có năng khiếu nên đề nghị gia đình cho vào ăn tập dài hạn. Còn nhỏ tuổi, chưa hình thành thế mạnh ở nội dung nào nhưng Thuấn cho biết mình thích nhất bơi ếch.
Từ nhà đến trung tâm chỉ hơn 10 km nhưng bố mẹ Ánh Viên vẫn để cho con trai ở lại, trong căn phòng tập thể cùng 5 bạn khác, chỉ cuối tuần mới đón về nhà. Họ tin rằng môi trường quân đội sẽ giúp cậu bé sớm trưởng thành, tự lập để trở thành người có ích.
Quang Thuấn cũng tiết lộ, mặc dù rất thương em nhưng Ánh Viên hiếm khi mua quà cho em trai. Cậu bé không được nuông chiều, vẫn vất vả tập luyện cùng bạn bè trên đường đua xanh. Với Thuấn, tấm gương lớn nhất chính là Nguyễn Thị Ánh Viên.