“Ánh Viên là báu vật, là của trời cho với thể thao Việt Nam” - ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên trưởng đoàn thể thao VN) nhiều lần thốt lên như vậy mỗi khi nhắc đến những thành tích mà cô gái nhỏ quê Cần Thơ Nguyễn Thị Ánh Viên đạt được.
Kết thúc năm 2013, 3 HCV mà Ánh Viên đạt được ở SEA Games 27 trên đất Myanmar đã nâng tổng số HCV Ánh Viên có trong sự nghiệp lên con số 81. Thật ra, đó là con số khiêm tốn, khi từ gần 2 năm nay, Ánh Viên không thi tại những giải quốc nội, bởi cô bận tập huấn và đơn giản là Ánh Viên không có đối thủ ở bất kỳ đường bơi nào.
Năm 2014, với trọng tâm là huy chương ở ASIAD 14 (diễn ra cuối tháng 9.2014), Ánh Viên tiếp tục gây ngạc nhiên tại hầu hết những giải đấu mà cô tham dự. Tại giải bơi Grand Prix Orlando hồi tháng 2.2014, Ánh Viên mang về 4 HCV và 2 HCB. Thành tích này cũng khiến các chuyên gia Mỹ kinh ngạc. Đặc biệt, ở nội dung sở trường 400 mét hỗn hợp, với thành tích 4 phút 41 giây 68, Ánh Viên trở thành kình ngư đầu tiên của VN lọt vào Top 10 thế giới ở nội dung này theo bảng xếp hạng của FINA (Hiệp hội bơi lội thế giới).
Ánh Viên nhận huy chương vàng tại đấu trường Olympic trẻ diễn ra tại Nam Kinh (Trung Quốc). |
Ánh Viên như có bàn tay của vua Midas - cứ nhảy xuống hồ bơi là có HCV. Chỉ ít ngày sau khi gây tiếng vang ở Orlando, Ánh Viên tiếp tục có thêm 3 HCV ở giải bơi trẻ toàn Mỹ, đồng thời được vinh danh là VĐV xuất sắc nhất giải. Nhưng giải bơi Đông Nam Á mới là nơi Ánh Viên “gây bão”. Năm 2013, tại giải trẻ, Ánh Viên có... 11 HCV - phá 7 kỷ lục, còn năm nay, Ánh Viên “khiêm tốn” đoạt 9 HCV - phá 7 kỷ lục.
Tấm HCV nội dung 200 mét hỗn hợp ở Olympic trẻ lần 2 không chỉ là dấu son của Ánh Viên cũng như đánh dấu kỳ tích của thể thao VN, mà đã khẳng định quá trình đầu tư với Ánh Viên là đúng đắn. Thành tích 2 phút 12 giây 66 của Ánh Viên đã phá kỷ lục quốc gia (cũng do Ánh Viên xác lập).
Hiện Ánh Viên đã có tổng cộng 98 HCV, trong đó chủ yếu là các HCV ở những cuộc thi quốc tế. Chỉ cần 2 HCV nữa, Ánh Viên sẽ cán đích 100 HCV - thành tích hy hữu của thể thao VN.
Nói Ánh Viên là của “trời cho” với thể thao VN không sai, bởi ở cô gái 18 tuổi này có quá nhiều điểm đặc biệt. Ánh Viên cao 1m72, nhưng sải tay dài tới 1m98. Chính đặc điểm “dị nhân” này khiến Viên luôn có lợi thế trong môn bơi. Nhưng điều làm nên Ánh Viên chính là tinh thần thi đấu, luyện tập.
Để tập trung cho công việc, Ánh Viên gần như tách mình ra khỏi công nghệ. Trong quá trình tập huấn tại Mỹ, Ánh Viên không dùng điện thoại, không email, không facebook. Mọi liên lạc đều thông qua HLV Anh Tuấn.
Năm 2014, Ánh Viên là một trong số không nhiều những trọng điểm của TTVN được đầu tư lớn với tổng số tiền đầu tư tập huấn tại Mỹ lên tới 4 tỉ đồng - từ các nguồn Tổng cục TDTT, thể thao Quân đội, tỉnh Cần Thơ, Hiệp hội thể thao dưới nước VN... Khoản tiền ấy rõ ràng không hề lãng phí khi Ánh Viên tiếp tục hoàn thiện khả năng của mình.
Nhưng Olympic trẻ không phải là trọng tâm của Ánh Viên năm nay. Cái đích mà BHL đề ra cho kình ngư 18 tuổi này là những tấm huy chương ở ASIAD 14 tại Incheon (Hàn Quốc) - một đấu trường có đẳng cấp cao. Nên nhớ thành tích ở nội dung 200 mét hỗn hợp mà Ánh Viên có được một phần nào đó do nhà vô địch Olympic Ruta Meylutyte (Lithunia) không tham dự, cũng như chỉ số 2 phút 12 giây 66 mới “chạm ngưỡng” HCĐ ASIAD.
Điều đó cho thấy, Ánh Viên vẫn phải tiếp tục cố gắng, phấn đấu, lao động để hướng tới vinh quang.