Cái chết của ngôi sao đôi (2 mặt trời quay quanh nhau theo quỹ đạo nhỏ) là một trong những sự kiện đặc biệt của vũ trụ.
Hai ngôi sao đang hủy diệt lẫn nhau. Ảnh: ESO. |
Khoảnh khắc này mất 650 năm ánh sáng để đến được Trái đất. Cũng chính vì khá gần (theo khoảng cách vũ trụ) mà sự kiện này được các nhà thiên văn học rất quan tâm.
Hình ảnh về kiểu "tương tác" này của các ngôi sao được chụp ở phổ cận hồng ngoại bởi Viễn vọng kính ngoại cỡ tại đài quan sát nam châu Âu, cho chúng ta cái nhìn cực kì chi tiết về những gì đang xảy ra.
Sao khổng lồ đỏ có tên là Mira đang ở giai đoạn cuối của chu kì sống. Những ngôi sao như thế này thường đã mất tới quá nửa khối lượng của mình, bắt đầu phát ra các xung và bức xạ có thể sáng hơn mặt trời chúng ta 1.000 lần.
Trong khi đó sao lùn trắng, vốn đã tàn lụi từ lâu, không còn nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch trong lõi. Tuy vậy khối lượng đậm đặc của nó cho phép ngôi sao nhỏ này xơi tái "bạn đời" của mình.
Vật chất “ăn” được từ ngôi sao khổng lồ đỏ thường gây ra các vụ nổ hạt nhân ở vùng không gian xung quanh hai ngôi sao. Điều này giống như cả hai đang ném bom hạt nhân lẫn nhau.
Hình ảnh này cho thấy cả hai ngôi sao đang quay quanh nhau, phóng các vẩn thạch cũng như những dòng vật chất ra không gian bên ngoài. Cuối cùng thì kết cục của chúng là một vụ nổ siêu tân tinh được xếp hạng Ia (một trong các loại siêu tân tinh xảy ra từ vụ bùng nổ của sao lùn trắng).
Các vụ nổ siêu tân tinh ít khi ảnh hưởng tới chúng ta nhờ từ trường của Trái Đất. Tuy vậy trong vũ trụ, rất nhiều hành tinh ở gần sẽ bị quét sạch bởi dòng vật chất có năng lượng siêu cao phóng ra từ vụ nổ.