Ngày 19/3, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao sau hơn một năm Ủy ban này đi vào hoạt động.
Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức của Ủy ban và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong trong thời gian qua, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận Ủy ban đã chỉ đạo, điều phối hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra.
Không để đất đai Nhà nước thất thoát vào tay tư nhân
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban phải quản lý, kiểm soát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, không để xảy ra tham ô, tham nhũng, nhưng cũng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phát huy sức mạnh của 19 tập đoàn, tổng công ty này là “quả đấm” của Nhà nước, giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu không được để đất của Nhà nước thất thoát vào tay tư nhân. Ảnh: VGP. |
Lưu ý các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết vướng mắc về đất đai, Phó thủ tướng quán triệt không để thất thoát đất đai của Nhà nước vào tay tư nhân.
“Không để tình trạng như vừa qua, liên doanh với tư nhân rồi bán hết cổ phần cho tư nhân để chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp thành đất kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn khoản chênh lệch địa tô rất lớn, nhất là những nơi đắc địa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông khuyến khích nhiều thành phần kinh tế và thúc đẩy cổ phần hóa nhưng phải đảm bảo không để trục lợi chính sách, lợi ích nhóm chi phối.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng chỉ đạo Ủy ban tập trung đánh giá khó khăn do tác động của động của dịch đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là các ngành hàng không, dầu khí, đường sắt... để tranh thủ xây dựng, phát triển hạ tầng để khi dịch qua.
Ví dụ, với ngành hàng không hiện không vận chuyển được nhiều hành khách có thể chuyển sang vận tải hàng hóa để bù đắp phần nào chi phí. Nguyên tắc đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng, không để sụt giảm.
“Tới nay, Chính phủ chưa có chủ trương hạ chỉ tiêu phát triển nên vẫn phải quyết tâm”, ông nói.
“Anh nào cũng muốn có vị trí, nhưng lại sợ trách nhiệm”
Phó thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá hiện có tâm lý ngại việc, sợ trách nhiệm, sợ làm là dính đến quy định của pháp luật nên cầm chừng, thoái lui.
Dẫn chứng từ 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương khiến nhiều người bị truy tố, xét xử, Phó thủ tướng vẫn cho rằng việc đó “không thể không làm”. Hay dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã ứng vốn Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng, tới hơn chục năm không trả, ngoài còn vay thêm ngân hàng, lãi phát sinh ngân sách phải gánh, nhưng không thể “đắp chiếu”.
Từ thực tế đã nêu, ông đề nghị công chức Nhà nước phải đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Anh nào cũng muốn có vị trí, được bổ nhiệm, nhưng đề xuất thì sợ trách nhiệm. Anh nào sợ trách nhiệm thì thôi xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật”, Phó thủ tướng nói.
Ông đề nghị các bộ Tư pháp, Nội vụ tính đến cơ chế cho phép cán bộ, công chức thấy vấn đề trái phái luật được bảo lưu và được bảo vệ, giống như bảo vệ nhân chứng, người tố cáo; bảo vệ cán bộ, công chức có lòng dũng cảm dám phát hiện cái sai và bảo lưu ý kiến của mình, báo cáo Chính phủ trong tháng 4/2020.
“Sợ, không làm thì bộ máy trì trệ, đất nước làm sao phát triển được”, Phó Thủ tướng nói.