Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảnh hưởng của thức ăn lên sức khỏe thân tâm

Đôi khi, người ta tìm đến thức ăn để khỏa lấp cảm giác lo lắng hoặc cô đơn, dẫu biết rằng ta không đói và ta không cần ăn.

thuc an anh 1

Ảnh: Flo Dahm.

Hầu hết chúng ta ý thức được thức ăn của chúng ta ảnh hưởng lên sức khỏe của thân và tâm như thế nào. Đồ ăn vặt có thể làm chúng ta cảm thấy mỏi mệt, cáu kỉnh, bồn chồn, tội lỗi và thường chỉ làm chúng ta thỏa mãn một vài giây phút nào đó thôi.

Ngược lại, trái cây và rau quả lại làm chúng ta cảm thấy có sinh lực, lành mạnh và bổ dưỡng. Thông thường, chúng ta ăn một cái gì đó không phải vì đói mà chỉ để khuây khỏa và quên đi những cảm giác không dễ chịu.

Giả sử ta đang cảm thấy lo lắng hoặc cô đơn, ta không thích cảm giác này, do đó ta đứng dậy mở tủ lạnh ra và tìm một cái gì đó để ăn. Ta biết rằng ta không đói và ta không cần ăn. Thế nhưng, ta cũng tìm một cái gì đó để ăn, bởi vì ta muốn khỏa lấp cảm giác khó chịu trong lòng.

Khi tổ chức một khóa tu ở bất kỳ trung tâm tu học nào, chúng tôi đều có ba buổi ăn chay mỗi ngày, được chuẩn bị với rất nhiều tình thương và chánh niệm. Ấy vậy mà có những thiền sinh vẫn lo lắng về thức ăn.

Có một thiền sinh, lần đầu tiên tới khóa tu, anh ta chỉ nghĩ đến bữa kế tiếp sẽ ăn gì. Vào hai ngày đầu khóa tu, lúc nào anh ta cũng thấy đói, anh ta không thích phải xếp hàng dài để lấy thức ăn. Anh ta lo là sẽ hết thức ăn. Bất kỳ thời khóa nào, anh ta cũng luôn muốn rời sớm hơn giờ kết thúc để có thể xếp hàng đầu tiên lấy thức ăn.

Vào ngày thứ ba của khóa tu, trong nhóm pháp đàm, anh chia sẻ ra được một số cảm giác của anh về cha anh (vừa mới qua đời) và nhận được rất nhiều cảm thông trong nhóm. Sau đó, nhóm của anh ra hơi trễ một chút, nhưng khi đứng vào hàng lấy thức ăn, anh chợt nhận ra là anh không còn lo lắng nữa, anh có cảm giác là sẽ có đủ thức ăn và cảm thấy an ổn.

(*) Tựa đề và sapo do người biên tập đặt.

Thích Nhất Hạnh/Chân Hội Nghiêm/Thaihabooks/NXB Thế giới

Bình luận

SÁCH HAY