Hôm 2/10, Cao ủy viên Anh Laura Clarke có cuộc gặp với các thủ lĩnh bộ lạc Maori ở thị trấn Gisborne nhân dịp New Zealand kỷ niệm ngày thuyền trưởng James Cook và thủy thủ đoàn tàu Endeavour của ông đến đây năm 1769.
Tuyên bố của Cao ủy viên Clarke có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên nó vẫn không phải lời xin lỗi từ hoàng gia như mong đợi, theo AP.
Năm 1769, ngay sau khi thuyền trưởng Cook và thủy thủ đoàn cập bờ, họ chạm trán vài người Maori có vũ khí và lo sợ sẽ bị tấn công. Tuy nhiên nhiều học giả ngày nay cho rằng khi đó, có thể người Maori chỉ đang cử hành một nghi lễ.
Các thủy thủ đã bắn và giết một lãnh đạo Maori quan trọng là Te Maro và trong những ngày tiếp theo, họ giết thêm 8 người Maori.
Chiến binh bộ lạc Maori trong lễ diễu hành ở Paris vào tháng 7/2016. Ảnh: Reuters. |
Cao ủy Anh cho biết sẽ giữ bí mật chi tiết bài phát biểu của Cao ủy viên Clarke với các lãnh đạo Maori, tuy nhiên trong cuộc gặp lần đầu tiên trong lịch sử này, bà Clarke đã thừa nhận nỗi đau và cảm thông với hậu duệ của những người Maori bị giết.
Nước Anh cũng được trả lại một số cổ vật lịch sử của thủy thủ đoàn thuyền trưởng Cook, bao gồm cả mái chèo xuồng.
Trong video trên tài khoản Facebook, một người Maori nói rằng: "Sau khi ở đây được hai giờ đồng hồ, Cook và phi hành đoàn của ông ta đã xâm phạm, khủng bố, giết và ăn cắp của chúng tôi".
Cao ủy Anh lưu ý rằng động thái "hối tiếc" nói trên đến từ chính phủ Anh chứ không phải từ hoàng gia hay Nữ hoàng Elizabeth II.
Ông Meng Foon, Ủy viên Quan hệ Chủng tộc New Zealand và là cựu thị trưởng Gisborne, nói rằng ông mong muốn hậu duệ của Nữ hoàng Victoria gặp gỡ con cháu của người Maori bị giết và đưa ra lời xin lỗi chi tiết.
"Đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Tôi tin rằng các thế hệ tương lai sẽ yêu cầu một lời xin lỗi", ông nói về bài phát biểu của Cao ủy viên Clarke.