GIF phổ biến trong vài năm nay nhờ nỗ lực tối ưu của mạng xã hội Tumblr. Ảnh: Wired. |
Ngoài biểu tượng cảm xúc và các dán nhãn, ảnh GIF được xem là một trong những cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người dùng được phổ biến trên mạng xã hội.
Thậm chí, Bảo tàng Ảnh động (Museum of the Moving Image) ở New York còn tổ chức một buổi triển lãm các ảnh GIF có tên là “Moving Image as Gesture” vào năm 2014.
Tuy nhiên, sau thời hoàng kim, định dạng ảnh này dần trở nên bớt phổ biến bởi khó tìm kiếm, trong khi các thuật toán nén video khiến dung lượng các đoạn phim ngày càng thấp, dễ chèn vào mạng xã hội.
Thời hoàng kim của ảnh GIF
“Đây là định dạng của Internet tương lai”, David Hayes, Giám đốc chiến lược sáng tạo của Tumblr, từng chia sẻ với Mashable vào năm 2016. Tại thời điểm đó, mỗi ngày có đến 23 triệu bài viết có ảnh GIF được đăng tải trên Tumblr.
Với sự phổ biến ngoài mong đợi này, tính năng tìm kiếm ảnh GIF đã được bổ sung vào các nền tảng khác như Facebook, Twitter và iMessage, giúp người dùng dễ dàng sử dụng ảnh động để thể hiện cảm xúc của mình.
Theo The Atlantic, GIF là một định dạng giúp người dùng bộc lộ cảm xúc hiệu quả mà không cần đến ngôn từ. “Đây là một hình thức nghệ thuật sinh ra từ Internet”, Matt Semkem, một nhà làm GIF, nhận định.
Ảnh GIF "Think man" là một trong những biểu tượng cảm xúc được sử dụng phổ biến trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Giphy. |
“Video, ảnh chụp, tranh vẽ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Nhưng GIF ra đời chỉ khi có Internet”, anh nói. Theo The Atlantic, ảnh động được yêu thích vì khả năng lặp lại vô hạn chưa từng xuất hiện trên bất cứ định dạng nào.
Với những người sáng tạo GIF như Semke, 2007 chính là thời hoàng kim của họ. Vào thời điểm đó, ảnh động xuất hiện tràn ngập trên Tumblr nhưng lại bị giới hạn dung lượng dưới 1 MB và độ phân giải bị hạn chế ở mức 500x500. “Đối với nghệ sĩ, đây chính là thách thức, đòi hỏi chúng tôi phải gói gọn nghệ thuật của mình trong một tệp tin bị giới hạn”, Semke nhớ lại.
Do đó, năm 2013, công ty đã hợp tác với Eddie Kohler, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Harvard, tìm cách tối ưu hóa kích thước ảnh GIF để tiết kiệm chi phí nền tảng. Nhờ đó, Tumblr đã có đủ khả năng để cung cấp kho ảnh GIF khổng lồ cho hàng triệu người dùng đến tận ngày nay.
Song, ngay sau khi đạt đỉnh cao cũng là thời khắc ảnh GIF dần đi vào dĩ vãng, The Atlantic nhận định. Kể từ lúc đó, tính năng tìm kiếm chỉ hiển thị lặp đi lặp lại những ảnh GIF giống nhau và những biểu tượng nổi tiếng cũng dần mất nhiệt.
“Ảnh GIF chỉ dành cho những kẻ lạc hậu”, cây bút Amelia Tait của VICE khẳng định trong một bài viết hồi tháng 1. Có thể thấy, tương lai của ảnh GIF đang trở nên mịt mù hơn bao giờ hết và có thể biến mất vào một ngày không xa.
Video giờ còn nhẹ hơn ảnh động
Meta đã cố đi ngược dòng xu hướng này khi quyết định sáp nhập nền tảng ảnh động Giphy với giá 400 triệu USD vào năm 2020. Theo The Atlantic, ngoài công ty mẹ của Facebook, không công ty nào muốn mua Giphy.
“GIPHY đã không thu về bất cứ lợi nhuận nào”, luật sư của công ty cho biết. Giphy còn cho biết lượng ảnh GIF được đăng tải lên nền tảng đang có xu hướng ngày càng giảm vì người dùng trẻ cho rằng đây là định dạng “gây khó chịu” và chỉ dành cho “người già”.
Giphy là kho tàng ảnh GIF lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Theo The Atlantic, ở thời điểm hiện tại, Tumblr là mạng xã hội hiếm hoi vẫn còn hiển thị ảnh GIF. Đa số các nền tảng chia sẻ ảnh như Twitter hay Instagram đều đã tích hợp tính năng chuyển đổi ảnh động thành MP4 vì dung lượng video hiện nay đôi khi còn thấp hơn ảnh GIF.
Đơn cử như một ảnh GIF được Kohler cắt ra từ một bộ phim bất kỳ sẽ nặng gần 4,5 MB. Trong khi đó, video với độ dài và nội dung tương tự chỉ tốn 0,23 MB dung lượng. “MP4 là định dạng thích hợp nhất cho các nền tảng này. Nó có dung lượng nhỏ hơn nhưng chất lượng hình ảnh hiển thị vẫn được giữ nguyên”, nhà khoa học nói.
Song, với nhiều người, ảnh GIF là một loại hình nghệ thuật, do đó, họ sẵn sàng hy sinh bộ nhớ của mình cho chúng. Kohler cho biết định dạng này yêu cầu từng điểm ảnh đều phải đạt đến độ hoàn hảo nhất định nên rất khó để nén dung lượng.
Trên thực tế, khi so sánh với một ảnh GIF nặng 5,4 MB và video 4,8 MB, nhà khoa học nhận thấy một số điểm ảnh trên định dạng MP4 đã bị làm mở để giảm kích thước tệp tin.
Mặc dù sở hữu hơn 100.000 người theo dõi trên Instagram, Cat Frazier, một nghệ sĩ chuyên tạo ảnh GIF, cho biết cô vẫn thích sử dụng Tumblr hơn vì Instagram chỉ cho phép sử dụng video. “Tôi chỉ cần một nền tảng có thể đăng tải ảnh GIF ở khắp mọi nơi mà không bị thay đổi định dạng”, cô nói.
Nhưng tương lai của định dạng này đang ngày càng tăm tối khi Tumblr bắt đầu lung lay về quyết định giữ nguyên ảnh GIF trên nền tảng của mình. “Ảnh động đã trở nên lỗi thời và chỉ toàn những tấm ảnh chất lượng kém”, trích bài viết trên blog chính thức của Tumblr vào năm 2015.
"Dù vậy, là ngôi nhà đích thực của gif, Tumblr sẽ không từ bỏ file gif của bạn", tác giả ghi thêm trong phần sau của bài viết.
Mạng xã hội này còn thử nghiệm chuyển đổi GIF sang MP4 cho một lượng nhỏ người dùng nhằm giúp đẩy nhanh tốc độ tải tệp tin. Bên cạnh đó, GIF còn bị cạnh tranh với các định dạng hình ảnh khác, đặc biệt là hình thức chia sẻ video ngắn. Những video này giúp người dùng vừa có thể chuyển động, vừa có thể chèn ký tự và âm thanh tùy thích nên dần trở nên phổ biến và xuất hiện khắp mọi nơi.