Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh đầu tư 15 triệu USD vào chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á

Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) quay trở lại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cam kết đầu tư 15 triệu USD vào Quỹ Chuyển dịch năng lượng châu Á SUSI.

Đây là cam kết đầu tiên của BII tại khu vực Đông Nam Á, nằm trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sạch và bền vững. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) - tổ chức tài chính phát triển và nhà đầu tư tác động của chính phủ Anh - đã công bố cam kết đầu tư 15 triệu USD vào Quỹ chuyển dịch năng lượng châu Á SUSI (SAETF), theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam.

SAETF là quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển dịch năng lượng tập trung vào khu vực Đông Nam Á do công ty SUSI Partners có trụ sở tại Thụy Sĩ quản lý.

Đây là cam kết đầu tiên của BII tại khu vực Đông Nam Á, nằm trong kế hoạch tái gia nhập khu vực này và cung cấp vốn đầu tư cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sạch và bền vững, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng xanh của khu vực.

“Tôi rất vui khi thấy Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh đã có hành động cụ thể trong việc hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với trọng tâm là tài chính khí hậu”, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết. "Các khoản đầu tư tương tự như thế này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam khai thác tiềm năng năng lượng sạch dồi dào và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế bền vững, mang tính chuyển đổi".

Khoản đầu tư mới đánh dấu sự khởi đầu trong việc hiện thực hóa tham vọng đầu tư lên tới 500 triệu bảng Anh (tương đương hơn 620 triệu USD) tài chính khí hậu ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của BII.

Đây cũng là một phần trong mục tiêu tổng thể của BII nhằm đạt được 30% tổng số cam kết mới cho lĩnh vực tài chính khí hậu.

SAETF đặt mục tiêu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong toàn bộ quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và lưu trữ năng lượng, đồng thời tập trung vào các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quỹ sẽ đóng góp vào các mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và Thỏa thuận Paris bằng cách tài trợ cho các giải pháp năng lượng sạch, tăng cường cung cấp nguồn điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như tạo cơ hội tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch ở những khu vực chưa có điều kiện tiếp cận.

Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nhu cầu năng lượng ở khu vực này đã tăng trung bình khoảng 3% một năm trong hai thập kỷ qua.

Mong muốn phát triển bền vững toàn diện của khu vực cần huy động ít nhất 200 tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 với hơn 3/4 năng lượng được chuyển thành năng lượng sạch.

Chính vì vậy, khoản đầu tư của BII cũng hướng đến mục tiêu thu hút thêm các nhà đầu tư thương mại để mở ra nhiều cơ hội tài chính khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững trong khu vực.

Theo thông cáo, đây là bước tiến lớn hướng tới sự hỗ trợ của Anh đối với Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam được khởi động vào tháng 12/2022 và nhằm huy động tài chính để hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng bền vững.

Đề nghị G7 hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các nước G7 và đối tác góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực.

Điều gì đang xảy ra với dự án năng lượng sạch 3.000 tỷ USD của Mỹ?

Quy mô ngày càng lớn của các dự án năng lượng mặt trời và gió dẫn đến sự phẫn nộ của người dân địa phương ở Mỹ khi chúng được đặt gần hơn khu vực đông dân cư.

Minh An

Bạn có thể quan tâm