Đảng Bảo thủ Anh ngày 24/10 tuyên bố cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chiến thắng, trở thành lãnh đạo đảng này. Ông sẽ kế nhiệm bà Liz Truss, trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng 7 tuần và là thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của đất nước sương mù.
Cha mẹ ông là người gốc Ấn Độ, nhập cư Anh từ Đông Phi vào những năm 1960.
Ông cũng sẽ trở thành thủ tướng Anh trẻ tuổi nhất trong vòng hơn 200 năm.
Phần lớn nghị sĩ đảng Bảo thủ đang coi chính trị gia 42 tuổi này là vị cứu tinh của họ cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra tại Anh, sau nhiều tháng đất nước liên tục đối mặt với những hỗn loạn, ban đầu là từ hàng loạt bê bối của ông Boris Johnson, sau đó là chính sách kinh tế sai lầm của bà Liz Truss.
Tuy nhiên, các nhà quan sát đang đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh thủ tướng tương lai, về các vấn đề liên quan đến khối tài sản khổng lồ của gia đình ông, về mức độ nghiêm túc của ông đối với chức vụ, và cả những cam kết trong thời kỳ nước Anh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, theo Guardian.
Non trẻ về kinh nghiệm
Ông Sunak từng học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford sau khi theo học tại Đại học Oxford và Đại học Winchester.
Năm 2001-2004, ông Sunak là nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, rồi tham gia vào hai quỹ phòng hộ. Ông Sunak kết hôn với bà Akshata Murty năm 2009 và có hai con gái. Phu nhân của ông là con gái của tỷ phú N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Infosys của Ấn Độ.
Năm 2015, ông là nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện cho Richmond, hạt Bắc Yorkshire.
Ông giữ vị trí Thứ trưởng về chính quyền địa phương trong Bộ Nâng cấp, Nhà ở và Cộng đồng dưới thời Thủ tướng Theresa May. Ông được chọn làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson vào tháng 2/2020.
Trong vòng vài tháng qua, ông Sunak đã thể hiện rằng ông quyết tâm trong công việc bằng cách từ chức khỏi Bộ Tài chính, đẩy nhanh sự sụp đổ của cựu Thủ tướng Boris Johnson và sau đó tranh cử trong cuộc đua tìm lãnh đạo kế nhiệm.
Tuy nhiên, chiến dịch của ông sau đó lại được đánh giá là "hời hợt về mặt chính trị một cách kỳ lạ, khiến cho bản thân bị bà Liz Truss vượt mặt vì không hiểu được mối quan tâm và nỗi ám ảnh của nghị sĩ đảng Bảo thủ", bà Rowena Mason, biên tập viên chính trị Anh cho biết trong một bài viết trên Guardian.
Giờ đây, ông được coi là người định hướng kinh tế, người đã thực hiện kế hoạch ổn định kinh tế cho nước Anh thời kỳ Covid-19 và dự đoán đúng xu hướng xấu của thị trường khi bà Truss công bố chính sách tài khóa mới của mình.
Ông được mong đợi có thể xoay chuyển kết quả tụt hạng nghiêm trọng của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò gần đây, cứu đảng khỏi nguy cơ bị Công đảng vượt mặt trong cuộc tổng tuyển cử 2 năm tới.
Dẫu hiện được nhiều người ủng hộ và đánh giá cao, ông Sunak - cựu sinh viên Đại học Oxford và Stanford - chỉ mới trở thành nghị sĩ được 7 năm, và mới chỉ mới giữ một chức bộ trưởng duy nhất trong 2 năm.
Theo bà Mason, “ngay cả những đồng nghiệp ủng hộ ông Sunak làm thủ tướng cũng thừa nhận ông ấy không có bề dày kinh nghiệm để chuẩn bị cho nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất trên mọi mặt trận”.
Những câu hỏi chưa được hồi đáp
Từ các vấn đề tồn đọng của Covid-19, đến tình hình kinh tế hỗn loạn hiện tại, và cả viễn cảnh về một mùa đông thiếu năng lượng, Anh đang phải đối mặt với một hiện tượng khó khăn.
Nhiều tình huống khó xử mà bà Truss phải đối mặt vẫn còn đó.
Liệu ông có thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nhập cư cao hơn, hay bám vào những lời hứa thời hậu Brexit về các biện pháp kiềm chế nhập cư khắc nghiệt hơn?
Liệu ông có thể giữ lời hứa năm 2019 của ông Johnson về việc không quay lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng không?
Liệu ông có yêu cầu công chúng cố gắng cắt giảm việc sử dụng năng lượng để tránh thiếu điện vào mùa đông không?
Ông sẽ đưa ra quan điểm hòa giải đối với các cuộc biểu tình của công nhân hay sẽ biến nó thành một vấn đề tranh luận với Công đảng?
Những câu hỏi đó đến nay vẫn bỏ ngỏ vì ông Rishi không trả lời bất cứ phỏng vấn nào của truyền thông nào kể từ khi Truss từ chức hôm 20/10.
Quá giàu có là rào cản?
Một số nghị sĩ - ngay cả người ủng hộ - thừa nhận rằng ông Sunak có thể trở nên thiếu liên kết với công chúng vì mức độ giàu có của ông, với các câu chuyện nổi tiếng về việc ông thích hàng xa xỉ và không biết cách sử dụng thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless payment card) ở trạm xăng.
Ông Sunak được biết đến là con rể của tỷ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, người sáng lập công ty gia công phần mềm khổng lồ Infosys Ltd.
Ông và vợ, bà Akshata Murty, sở hữu tài sản trị giá khoảng 730 triệu bảng Anh - gần gấp đôi khối tài sản của Vua Charles III và Vương hậu Camila (ước tính 300 triệu-350 triệu bảng).
Cựu bộ trưởng Tài chính 42 tuổi cũng gần như sánh ngang nhà vua ở số lượng nhà ở chính thức. Hồi đầu năm nay, ông Sunak trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên từng lọt vào danh sách người giàu nhất nước Anh của tờ Sunday Times.
Vào thời điểm mà nước Anh đang chịu một cuộc khủng hoảng giá tiêu dùng lớn, ông là thành viên quốc hội giàu nhất.
Đối lập với sự vật lộn của người dân, ông Sunak từng bị chỉ trích vì đi đôi giày lười giá 450 bảng Anh và mua chiếc cốc cà phê thông minh giá 180 bảng Anh, hoặc hồ bơi tại gia trị giá 400.000 bảng với chi phí sưởi ấm lên tới 14.000 bảng/năm.
Những tiết lộ về việc đóng thuế của gia đình cũng từng khiến ông khó ăn nói trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng trước đó. Theo đó, bà Murty - vợ ông Sunak - đã sống ở Anh 9 năm nhưng không đăng ký cư trú khiến bà tránh thuế tại Anh đối với 11,6 triệu bảng tiền cổ tức hàng năm thu được từ công ty phần mềm Infosys của cha bà.
Gary Stevenson, một thương nhân triệu phú nay là nhà vận động chống bất bình đẳng, cho rằng không nên loại ai đó khỏi ghế thủ tướng vì quá giàu, nhưng tin rằng sự giàu có của ông Sunak có thể gây chú ý nếu ông trở thành thủ tướng trong thời kỳ cả nước đang vật lộn khi mức sống leo thang.
“Với tư cách là một thành viên của chính phủ, người đã góp phần vào nhiều vấn đề mà Anh đang phải đối mặt, Sunak sẽ chỉ có một cánh cửa rất hẹp để xoay chuyển tình thế”, bà Mason kết luận.