Sau khi Google thông báo ra mắt phiên bản thử nghiệm Android N, các fan công nghệ trên toàn thế giới đã nhanh chóng tải về thiết bị của mình để dùng thử. Trang RedmondPie đã chỉ ra những điểm mà hệ điều hành Android mới học tập từ iOS.
Chia đôi màn hình (iOS 9) và Cửa sổ đa nhiệm trên Android N
Đây là tính năng cho phép người dùng có thể sử dụng song song hai ứng dụng bằng cách chia đôi màn hình thành hai cửa sổ riêng biệt.
Chia đôi màn hình là tính năng vốn có trước trên các mẫu smartphone của Samsung và LG, không phải đặc trưng của Android từ Google. Phải đến phiên bản Android N mới nhất, chế độ đa màn hình mới được Google mang đến tất cả các thiết bị chạy nền tảng này.
Google được cho là đã copy tính năng Split View trên iOS công bố hồi tháng 9/2015. Cũng có giả định rằng Apple đã copy tính năng này từ hệ điều hành Microsoft Windows 8.
Tuy nhiên có sự khác biệt nhỏ giữa Split View và tính năng đa màn hình của Android N. Trong khi ứng dụng của Apple chỉ cho phép việc chia đôi màn hình trên iPad, Android N lại có thể mở nhiều cửa sổ ngay trên smartphone lẫn tablet.
Picture-in-picture
Đây là tính năng khá quen thuộc đối với người dùng, cho phép hiển thị một màn hình nhỏ phát video, ảnh, ứng dụng khác,... trên một góc màn hình ứng dụng.
Picture In Picture trên Android TV. Ảnh: RedmondPie. |
Apple đã mang tính năng đặc biệt này lên hệ điều hành iOS 9 cho iPad vào năm ngoái, trong khi Google lại ứng dụng Picture to picture vào Android TV. Cả hai đều mang đến những trải nghiệm xuất sắc, nhưng hạn chế về số lượng thiết bị hỗ trợ.
Night Shift (iOS) và Night Mode (Android)
Chế độ Night Shift đã được Apple giới thiệu trên phiên bản iOS 9.3. Tính năng này giúp thay đổi ánh sáng của màn hình vào các thời điểm trong ngày nhằm bảo vệ đôi mắt người dùng trước ánh sáng xanh.
Tính năng bảo vệ mắt của cả hai hệ điều hành. Ảnh: RedmondPie. |
Android N mới đã thêm tính năng tương tự vào bản cập nhật chế độ Night Mode của mình. Ngoài việc cho phép người dùng điều chỉnh nền xám dưới chữ trắng để giảm độ tương phản, bản cập nhật mới còn cho phép tăng các sắc thái đỏ trên màn hình tổng thể như Night Shift của iOS.
Night Mode vốn là tính năng được Google thử nghiệm từ phiên bản Android L dành cho giới lập trình viên, nhưng sau đó không có trong bản Android Lolipop chính thức. Tuy nhiên, tính năng này đã được mang trở lại Android N, sau khi đối thủ Apple bổ sung Night Shift vào iOS 9.3
Trả lời nhanh (iOS) và Trả lời trực tiếp (Android N)
Apple đã giới thiệu tính năng này trên phiên bản iOS 8 của mình vào năm 2014, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với các ứng dụng của Apple, sau đó được tuỳ chọn đối với các phần mềm bên thứ 3 trong bản cập nhật iOS 9 năm 2015. Đây là tính năng cho phép trả lời tin nhắn trực tiếp từ thanh thông báo.
Tính năng trả lời trực tiếp từ Notification trên Android N. Ảnh: RedmondPie. |
Google đã lặp lại chính xác tính năng này trên phiên bản Android mới nhất của mình. Người dùng có thể vuốt thanh Notification xuống và trả lời tin nhắn tới một cách tiện lợi và nhanh chóng.
Notification: Nhóm ứng dụng (iOS) và Gói thông báo (Android N)
Màn hình thông báo là một phần quan trọng trong việc trải nghiệm thiết bị thông minh. Đa số các ứng dụng hiện nay đều gửi thông báo đến người dùng hàng ngày để nhắc nhở họ bật ứng dụng thường xuyên. Tuỳ chọn của Apple cho phép nhóm các thông báo của một ứng dụng và giữ chúng một chỗ trong Notification center giúp dễ nhận biết và theo dõi hơn. Người dùng có thể cài đặt tính năng này bằng cách truy cập vào trong Settings > Notifications > Notifications View > Group By App.
Tính năng nhóm các thông báp lại theo từng ứng dụng giúp người dùng dễ quản lý hơn. Ảnh: RedmondPie. |
Tương tự, Android N cũng bổ sung "Bundled Notification" để những thông báo được phân loại rõ ràng, đỡ trông giống "bãi rác" thông tin như trước đây.