Như tôi đã kể, khi mới vào nghề tôi gắn bó với sơ đồ 4-4-2. Bây giờ tôi đã học cách để linh hoạt hơn dù vẫn tin rằng 4-4-2 là sơ đồ phòng thủ tốt nhất.
Với 4-4-2, đội bóng có thể khống chế toàn bộ mặt sân, dễ dâng cao và tấn công trên phần sân đối phương khi các cầu thủ pressing biết rằng có đồng đội ở phía sau để khắc phục những sai lầm của họ. Để minh họa, với sơ đồ 4-3-3, tuy có thể gây áp lực sâu ở phần sân đối phương vì có tới 3 tiền đạo, nhưng sơ đồ này có thể bộc lộ những hạn chế của hàng tiền vệ sau lưng các tiền đạo, đặc biệt ở hai cánh.
Hơn nữa, nếu các tiền đạo của bạn không giỏi phòng ngự, hậu vệ đối phương sẽ dễ dàng vượt qua họ và tràn ngập khu vực giữa sân với số lượng vượt trội. Điều này ít có khả năng xảy ra với sơ đồ 4-4-2 khi bạn có thể sử dụng các cầu thủ chạy cánh để gia cố thêm cho hàng tiền vệ và tăng thêm “chất rắn” cho đội nhà ở khu trung tuyến.
Dĩ nhiên, có một nhược điểm mà sơ đồ 4-4-2 dễ bị tổn thương. Khi tấn công, đội bóng chơi 4-4-2 cần sử dụng rất nhiều đường chuyền ngang để tiến về phía trước và đưa bóng vào khu vực có thể dứt điểm, trong khi với 4-3-3 người ta có thể di chuyển bóng qua các tuyến nhanh hơn và trực diện hơn.
Có lẽ chính với tư duy này, khi đẩy tới mức cực đoan, sẽ là tầm nhìn của Guardiola với 11 cầu thủ đều là tiền vệ - kể cả thủ môn. Điều này không quá điên rồ, bởi vì nếu đội bóng chơi dâng cao, thủ môn cần phải nhanh và có thể xử lý bóng bằng chân tốt như Manuel Neuer ở Bayern Munich hay Hugo Lloris ở Tottenham.
Ancelotti là bậc thầy về chiến thuật. Nguồn: Telegraph. |
Khi nghe các huấn luyện viên khác nói rằng đội của họ hay bị áp đảo về quân số ở hàng tiền vệ, tôi nói: “Này, đừng suy nghĩ như thế, vì cả hai bên đều có 11 cầu thủ! Nếu chúng ta bị áp đảo về quân số ở khu vực này thì đối phương sẽ bị áp đảo ở một khu vực khác trên sân và bạn hãy tập trung vào việc chơi bóng ở những khu vực đó”.
Trong quân sự, người ta thường nói không có chiến lược nào sống sót khi ta chạm mặt kẻ thù. Điều này rất đúng trong bóng đá. Bạn dành cả tuần lên kế hoạch, rồi vào ngày thi đấu, hóa ra đối phương xếp một đội hình cầu thủ khác với những gì mà bạn đoán, hoặc ngay khi trận đấu bắt đầu bạn nhận ra họ chơi theo một sơ đồ chiến thuật hoàn toàn khác với sơ đồ mà bạn dự đoán.
Hoặc, với những trận đấu nhất định, ngay cả khi đối phương chơi như cũ nhưng đội của bạn gặp khó khăn khi chống lại họ, lúc này bạn cần thay đổi sơ đồ thi đấu để phù hợp với lối chơi của đối thủ.
Trong khoảng thời gian của tôi tại Real, đội bóng gặp nhiều khó khăn với đối thủ cùng thành phố Atlético, họ luôn chơi theo một kiểu nhưng chúng tôi lúc nào cũng gặp rắc rối. Mỗi lần chúng tôi đối đầu với họ, chúng tôi đều cần phải đối phó với những gì mà Atlético muốn triển khai.
Sức mạnh của Atlético tập trung ở giữa sân - khu vực họ hoạt động rất năng nổ và “hiếu chiến”. Khi cướp được bóng, họ sẽ ngay lập tức tổ chức tấn công.
Vì thế, chiến thuật của chúng tôi trong các trận đấu này là không tập trung ở khu vực giữa sân, mà sử dụng hai cánh để triển khai các pha tạt bóng nhanh. Tôi cũng để cho các hậu vệ cánh chơi dâng cao hơn để gây áp lực nhanh khi chúng tôi mất bóng, nhằm ngăn chặn các pha phản công có khả năng xảy ra.
Bạn phải thường xuyên thay đổi sơ đồ thi đấu để thay thế các cầu thủ chấn thương hoặc để thích ứng với các cầu thủ mới của đội bóng. Nhưng đôi khi đây chính là thời điểm những ý tưởng tuyệt vời nhất xuất hiện - chúng xuất hiện từ nghịch cảnh.
Ở Milan, chúng tôi từng có nhiều cầu thủ chất lượng gia nhập câu lạc bộ và lúc đầu tôi phải vất vả tính toán làm sao để mọi người đều có cơ hội ra sân, để mọi người đều vui vẻ, nhưng sau đó đội đã gặp phải một sự cố tuyệt vời. Đầu tiên, Andriy Shevchenko dính chấn thương, do đó tôi chuyển Andrea Pirlo trở lại vị trí tiền vệ lùi, người kiến thiết bóng phía sau hai tiền vệ tấn công.
Và cuối cùng chúng tôi đã phát minh ra sơ đồ hình cây thông Giáng sinh. Như người Anh vẫn thường nói thì đúng là “Cái khó ló cái khôn”.
Chìa khóa thành công của sơ đồ hình cây thông Giáng sinh đến từ trận đấu với Deportivo de La Coruña ở Champions League. Deportivo sử dụng hai tiền vệ kiến thiết lùi sâu và tôi nghĩ nếu Milan chơi với đội hình thông thường, không kể các cầu thủ chấn thương, chúng tôi sẽ không thể phòng thủ hiệu quả trước sự phát động tấn công của hai cầu thủ này: do họ chơi khá thấp nên chúng tôi không thể gây tác động được.
Vì thế, chúng tôi đã thay đổi bằng cách sử dụng hai tiền vệ tấn công để gây sức ép lên hai tiền vệ kiến thiết của Deportivo khi Milan mất bóng.
Thật ra, có thể thấy rằng toàn bộ ý tưởng này xuất phát từ tư duy phòng ngự chứ không phải tấn công, tức là một kiểu tư duy bóng đá đậm chất Italy! “Làm thế nào để ngăn cản đối thủ?” là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Chúng tôi đã thắng trận đấu đó với tỷ số 4-0.
Có thể nếu hôm đó Milan thua 0-4 thì tôi đã vứt ngay cái ý tưởng này đi nhưng mọi việc đã không xảy ra như thế. Trong trận đấu tiếp theo ở Champions League, chúng tôi gặp Bayern Munich và tiếp tục thắng 2-1 với sơ đồ này, và tôi bắt đầu tin rằng cái khôn đã ló ra từ cái khó...
Trong bóng đá cũng như trong bất cứ công việc gì, bạn không bao giờ được đứng yên. Không bao giờ được phép tin rằng chiến thuật đem lại thành công lớn lao cho bạn ngày hôm nay sẽ tiếp tục hiệu quả vào ngày mai. Đối thủ của bạn sẽ không ngồi đó và để mọi việc cứ thế xảy ra.
Hãy nhìn vào Chelsea ở mùa giải 2015-2016. Mới ở mùa giải trước đó, Chelsea là nhà vô địch không thể đánh bại; nhưng nay thì họ khó khăn lắm mới giành được một trận thắng. Vẫn là những cầu thủ đó, vẫn là chiến thuật và lối chơi cũ, vậy thì điều gì đã thay đổi? Câu trả lời: sự khác biệt là do các đội bóng khác ở Anh đã tiếp tục tiến lên và tìm ra cách đối phó với lối chơi của Chelsea.
Đứng yên cũng có nghĩa là bạn đang thụt lùi.