Ông Nguyễn Hồng Minh giữ vai trò Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 22, Đại hội Thể thao Đông Nam Á đầu tiên được tổ chức trên sân nhà. Gần 20 năm sau, nguyên lãnh đạo ngành thể thao vẫn nhớ rất rõ những chi tiết từ quá trình chuẩn bị tới khi lễ bế mạc kết thúc.
Từ sau khi đất nước thống nhất, tới năm 1989, chúng ta mới bắt đầu hội nhập quốc tế trở lại và tham dự SEA Games 15. Khi đó, lực lượng tham dự chỉ bao gồm 48 VĐV, thi đấu ở 8 môn thể thao. Thực tế, chúng ta chỉ có 3 HCV đều ở môn bắn súng. Về sau này, chúng ta gặt hái thêm huy chương ở các môn như boxing, wushu. Tất cả các môn Olympic cơ bản, chúng ta không đạt được kết quả.
Chúng ta cũng nhận thấy những điểm yếu là trình độ VĐV còn thấp, số lượng môn thể thao còn ít, vị trí thường nằm ở top dưới. Năm 1997, chúng ta vươn lên vị trí thứ 5. Đến năm 2001 tại Kuala Lumpur, Đoàn Thể thao Việt Nam đã vươn lên để đứng thứ 4 trong 9 đoàn tham dự. Dù vậy, khoảng cách với các nước dẫn đầu vẫn còn xa, đặc biệt là ở các môn Olympic, bên cạnh việc phải giữ thành tích ở một số môn thế mạnh.
Người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng chiến thắng tại SEA Games 2003. |
Kỳ đại hội khơi dậy tinh thần Việt Nam
Ngành thể thao thấy rằng chúng ta cần tạo ra một cú hích và quyết định xây dựng đề án tổ chức SEA Games để trình chính phủ, trong đó nêu rõ việc chuẩn bị lực lượng VĐV, xây dựng cơ sở vật chất, lực lượng điều hành để sau năm 2000 có thể đăng cai. Đề án cũng xây dựng 3 phương án tham gia thi đấu với lực lượng VĐV khác nhau, tham gia số lượng môn thi đấu khác nhau và đạt kết quả cũng khác nhau. Kinh phí để tổ chức SEA Games cũng được tính toán kỹ lưỡng và có trong đề án này.
Về cơ sở vật chất, chúng ta quyết định xây dựng Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia tại Mỹ Đình, xã Mễ Trì của Hà Nội. Một số môn thể thao được tổ chức ở các địa phương lân cận. Ngày 8/9/2001, chúng ta nhận cờ đăng cai SEA Games tại Kuala Lumpur. Cho đến ngày khai mạc SEA Games 22, chúng ta có 2 năm nỗ lực tổng lực để thực hiện đề án. Sau ngày khởi công Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đúng 22 tháng, chúng ta khánh thành Sân vận động Mỹ Đình và cũng là khu liên hợp vào ngày 2/9/2003. Ở các địa phương khác, mọi công trình, cơ sở vật chất phục vụ SEA Games đều được hoàn thành trước ngày khai mạc từ 4-6 tháng.
Trong quá trình chuẩn bị đăng cai SEA Games 22, tất cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều dành sự quan tâm. Nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi đó từng nói: “Tổ chức SEA Games không phải là công việc riêng của ngành thể thao. Việc đó cần sự phối hợp của các bộ ban ngành từ Trung ương tới các địa phương và phải huy động, tuyên truyền sâu rộng để tạo ra sự ủng hộ của toàn dân”.
Điều thứ hai cực kỳ quan trọng là tài chính. Tất cả công trình và việc chuẩn bị lực lượng VĐV được chính phủ cấp khoảng 5.800 tỷ. Các địa phương cũng huy động nguồn lực phục vụ việc tổ chức sự kiện. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định tiến trình chuẩn bị đạt kết quả tốt.
Yếu tố quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng ta đã mở rộng quan hệ, mời khoảng 2.000 quan chức và trọng tài quốc tế tới giúp đỡ. Các hội nghị quốc tế về SEA Games được tổ chức sớm từ 3-5 tháng trước ngày khai mạc và đều diễn ra suôn sẻ.
Công tác truyền thông được đặc biệt quan tâm. Trung tâm báo chí và truyền hình được đặt ở nhà A1 Giảng Võ, khai trương trước ngày khai mạc 6 tháng. Sau khi mở cửa một tháng, chúng ta tổ chức hội nghị truyền hình quốc tế với sự tham dự của nhiều hãng truyền hình lớn trên thế giới, khoảng 1.000 phóng viên quốc tế, chưa kể các phóng viên trong nước. Nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban chỉ đạo thường xuyên, tổ chức hội nghị truyền thông, chỉ đạo làm sao để đồng bào hiểu rõ giá trị của dân tộc Việt Nam, văn hóa việt Nam và hiểu rõ thể thao Việt Nam như thế nào.
Kết quả, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá SEA Games 22 là dấu ấn quan trọng, thành công rất tốt đẹp. Ông nói rằng không khí, tinh thần dân tộc Việt Nam giống như ngày chiến thắng 30/4/1975.
Để có một kỳ đại hội lần đầu tổ chức trên sân nhà thành công, ngành thể thao Việt Nam đã chuẩn bị trong 7 năm. |
7 năm chuẩn bị cho SEA Games 22
Về mặt thành tích, nhờ chuẩn bị tốt lực lượng VĐV, Đoàn Thể thao Việt Nam giành 156 HCV, 90 HCB, 93 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn. Đó là bước ngoặt mở ra phát triển cho thể thao Việt Nam. Trong ký ức của tôi, nhờ sự quan tâm đặc biệt, tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt của chính phủ từ Trung ương đến địa phương, phối hợp giữa các bộ ngành và đảm bảo tài chính là những nguyên nhân quyết định thắng lợi của việc tổ chức SEA Games 2003.
Năm 1997, ngành thể thao từng trình bày với chính phủ chương trình thể thao quốc gia, tức là chương trình xây dựng lực lượng VĐV với khoảng 12.000 người để tuyển chọn khoảng 2.000 VĐV tiêu biểu ở khoảng 30 môn thể thao tham gia thi đấu. Chương trình này được phê duyệt và tiến hành từ năm 1998. Số tiền lớn được chi cho các địa phương để xây dựng lực lượng VĐV ở một số môn trọng điểm và các VĐV ưu tú được tập trung tại các trung tâm thể thao quốc gia để nâng cao trình độ. Người phê duyệt chương trình này là nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh.
Sau 7 năm chuẩn bị, chúng ta có khoảng 1.000 người ở 34, 35 môn thể thao sẵn sàng thi đấu. Trong đó, có cả những môn truyền thống vẫn giữ được sự xuất sắc (bắn súng giành 25 HCV, vật giành 18 HCV). Một số môn Olympic ghi dấu sự tiến bộ (điền kinh có 8 HCV, TDDC có 7 HCV). Ngoài ra, bóng bàn, đấu kiếm, cử tạ cũng cho thấy những tiến bộ và giành nhiều HCV rất đáng ghi nhận.
Dấu ấn ấy, lực lượng ấy, vị trí ấy của SEA Games 22 là sự đánh giá xứng đáng với quá trình chuẩn bị dài hơi, nghiêm túc của Việt Nam, đánh dấu bước thay đổi quan trọng của nền thể thao chúng ta. Nó cũng là thành quả lớn từ công tác xây dựng VĐV nhờ chương trình thể thao quốc gia.Dấu ấn quan trọng đánh giá bước ngoặt, thay đổi của thể thao Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và là tiền đề cho sự phát triển những năm sau này để tiền đề để bước lên tầm châu lục và thế giới.