- Anh Hai ơi, bữa nay mùng một Tết rồi, mình đậu ở đây hay dời đi đâu anh nhỉ?
Tôi đang nằm trong mui tam bản ngủ nán và đang mơ lại những cái Tết hào hùng vừa qua mà tiếng đàn, hát, tiếng hoan hô như cùng đang vang dậy…
Tiếng thằng nhỏ hồi lên làm tôi lồm cồm ngồi dậy. Trời đã sáng thiệt mặt. Tôi bò ra sau lái múc nước vừa rửa mặt vừa cười cười hỏi nó:
- Ê, sao mầy biết bữa nay mùng một Tết mậy, bồ? Đêm qua tao có giao thừa giao thiết, đưa rước ông bà gì đâu?
- Không biết sao được. Anh Hai dòm lên bờ xem. Chợ không nhóm, tiệm đều đóng cửa. Còn mấy ghe đậu dưới bực sông nầy, ai cũng dán liễn đỏ ối ngoài mui. Họ có buôn bán gì nữa đâu. Với lại mùng một Tết mà không biết thì thật là… hết đường!
- Mầy nói miết! Nếu vậy, tao đâu cũng… hết đường rồi sao?
Thằng nhỏ liếc xéo tôi, hóm hỉnh:
- Phải anh… còn đường, anh không nằm co hôm qua tới nay!
Thằng nhỏ chèo ghe của tôi thế mà có lý đấy! Nó đi theo tôi từ ngày tôi bắt gặp nó đang lang thang, lưới thưới trong lúc cha mẹ nó có lẽ đều vì yêu nước mà bỏ mạng ở nơi chốn nào rồi.
Tôi định đem nó theo cho học nếu có thể. Nhưng rồi, với một phế nhân như tôi, chỉ dạy nó chút đỉnh lúc ban đêm, còn ban ngày hai anh em phải tảo tần chèo đi mua bán vớt vát cho đủ sống đó là may.
Và quả tình mấy hôm sau nầy, lúc gần Tết, chúng tôi chỉ kiếm được ngày nào ăn ngày ấy. Nghe nó nói câu nói hơi buồn tình, tôi không để cho nó có chút nản lòng trong ngày Tết, liền gọi nó vào móc số tiền “dự trữ”.
- Này nhé, em đừng lầm qua nhé! Anh chỉ “dọa” em đấy thôi, lấy tiền nầy lên mua một vài món gì ăn chơi với người ta. Xách chai mua cho anh một lít rượu và một mớ tôm khô. Rồi mình qua rủ anh Ba Chà chèo lại cầu tàu lục tỉnh ăn Tết với chú Năm Râu!
Cầu Ông Lãnh xưa. Nguồn ảnh: 2saigon. |
Thằng nhỏ nghe lời chạy thoắt lên bờ. Bến Cầu Ông Lãnh ngày mùng một Tết buồn bã làm sao. Ngoài những ghe buôn bán quen nhau còn kẹt lại chen đậu khít nhau để cùng chung “ăn Tết” xứ người, còn thì những xuồng mui, tam bản của bao nhiêu dân không cửa, không nhà, sống nổi trôi chờ ngày tháng.
Chờ thằng nhỏ trở xuống sông, tôi bảo nó nhổ sào chèo qua phía bên kia sống dưới dạ cầu đúc. Tôi cặp tam bản dưới một cây cột bằng xi măng, ngẩng đầu lên kêu:
- Anh Ba ơi! Anh Ba!
Anh Ba Chà đang lục đục gì trên cái nhà treo ấy bò ra dòm xuống:
- Ai đó, chú Hai hả?
- Tôi, tôi đây. Anh làm gì đó! Rảnh không?
- Mồng một Tết mà làm gì lại không rảnh?
- Được, chúng mình đi qua ăn Tết với mấy anh bên cầu tàu lục tỉnh chơi.
- Ăn cái quái gì bên ấy?
- Ậy, tôi có tôm khô củ kiệu, rượu trắng đủ thứ đấy. Qua nhậu với chú Năm Râu nghe chú nói chuyện cho đỡ buồn mà!
- Nhưng, lên đây ăn lót lòng bánh tét với tôi, chút rồi sẽ đi.
Anh Ba Chà nói xong dòm mực nước vừa mới đứng lớn, tắc lưỡi:
- Chà, cái mui tam bản của chú thấp quá. Leo lên được không. Tôi chuyền dây xuống.
Tôi cười khì:
- Thì quăng dây xuống đây cha nội. Muốn lên được cái nhà anh cũng trần thân!
Bạn cứ tưởng tượng cái “nhà” của anh Ba Chà ở phía ngoài nhứt của một cái dạ cầu! Từ trong bờ, muốn leo ra tới anh, phải chun qua năm bảy cái “nhà” khác lót bằng sạp tre. Thế đó thì chỉ có cách ở dưới nước leo dây lên là gọn hơn hết mà phải khỏi phiền ai.
Khi lên được trên “nhà” anh, tôi phóng sơ tầm mắt qua mấy gia đình bên cạnh. Ối chao! Nó hỗn độn và bực bội làm sao! Có những bà lão đang ngồi nhai trầu nhìn mấy đứa nhỏ quần áo tả tơi hoặc ở trần trùi trụi nằm lăn ra trên sạp. Trong bờ trên bực đất, vài người đàn bà đang lui cui kê nồi trên mấy ông Táo bằng đất cục nấu nướng, vài người đàn ông ngồi chẻ củi ở cạnh bên.
Đấy là một xã hội lao động nghèo nàn, cần cù quanh năm chầy tháng và lập nghiệp, tạo gia đình ở dưới mấy gầm cầu… từ khi xứ nầy gặp phải họa gởi tai bay trở lại. Họ không dám đèo bòng tới nhà phố cất san sát trên bờ, vì hạng của họ chỉ đáng ở vào mấy cái chòi sùm sụp ngoại ô.
Mà ở mấy cái chòi ấy thì cứ ít ngày là bị bố bị ruồng, sợ súng, sợ đạn, sợ lung tung… Bao nhiêu tai nạn đang chờ họ để gàn trở cuộc sanh sống hàng ngày của họ, mà hễ “vướng” một ngày là khổ cho cả gia đình.
Sở dĩ anh Ba Chà “tậu” cái nhà chót hết và “cheo leo” hơn hết vì anh là nạn nhân sau nầy của một trận hỏa hoạn thiêu rụi cả sự sản gia tài và anh phải “chạy chọt” lắm, “thân thế” lắm mới nhập vào được xã hội dạ cầu Ông Lãnh ấy.
Sau khi ăn lót lòng ở “nhà” anh Ba Chà xong, chúng tôi “tuột” xuống tam bản, chèo đi ra sông lớn về phía cầu tàu lục tỉnh.
Cái xã hội cầu tàu lục tỉnh còn “bẩn chật” hơn xã hội cầu Ông Lãnh nhiều. Cầu Ông Lãnh nhờ đất cao, mực nước xa, những cái nhà treo được khoảng khoát, gió máy thông đồng. Còn cầu tàu lục tỉnh thì có thể kêu là những cái ổ chuột tối om om.
Nhờ nước ròng sát, tôi cho tam bản đậu lại bên cầu rồi cùng anh Ba Chà leo xuống xóm nhà. Một chị đàn bà đang ngồi cho con bú ở “cái nhà” ngoài ngẩng đầu lên dòm. Chúng tôi hỏi thăm ông Năm Râu thì chị đưa tay chỉ vào bên trong xa thẳm và kêu lên một tiếng: “Ông Năm ơi!”. Tiếng của chị vọng trong cầu vang lên như… trong rừng thẳm.
Không thể chun vào trong cái hang ấy, chúng tôi đứng ngoài chờ. Một chập sau ông Năm Râu thò ra với bộ râu xụ xuống. Thấy chúng tôi, ông cười một cái khì:
- Mắc lo sửa lại cái sạp, sợ sắp nhỏ nó té xuống nước trong ngày Tết thì nguy. Vì ngày Tết tôi mắc nhậu say, không làm sao coi chừng chúng nó cho xiết.
- Bà Năm đâu?
- Đi kiếm củi và nước về nấu cơm ăn. Mồng một mà chưa có củi nước thì mấy cậu biết.
Anh Ba Chà hỏi:
- Ở trong ấy ngộp không ông?
- Ngộp chớ, nhưng quen rồi, cũng được, nhứt là vào con nước ròng khỏe hơn. Còn nước lớn nó ngập lên gần tới sạp nhà, thở hết muốn ra hơi.
Tôi tắc lưỡi:
- Rủi bữa nào có con nước lớn quá ngập lên tới thềm cầu thì làm sao bò ra cho kịp?
Ông Năm Râu cười khì:
- Đâu có, nước lớn có chừng mực chớ, cao lắm cũng là vừa đụng “sạp” chúng tôi thôi. Lúc đó chỉ sợ mấy đứa nhỏ lóc cóc. Hôm trước bà Hai ở đầu kia ngủ quên có bỏ lọt một đứa trôi mất rồi!
- Bà con ở xóm nầy có ăn Tết không?
- Ăn “chết” chớ ăn Tết! Đó mấy cậu cứ dòm vô mà coi, cái thân sống là chưa xong, chỗ ăn chỗ ở như thế này mà Tết nhứt cái gì!
- Thế thì tủi lắm!
Ông Năm vuốt râu:
- Đối với bọn họ ở trên bờ, ở nhà lầu đi xe hơi, ngồi quán rượu, nhảy đầm… chúng tôi như vầy cũng tủi thiệt, nhưng chúng tôi coi xoàng quá. Mấy cậu nghĩ coi có giỏi lắm là chịu thêm một vài cái Tết như vầy nữa, rồi có ngày chúng tôi cũng “trồi” lên ra ngoài ánh sáng được, chớ đâu lẽ phải chịu như thế nầy hoài! Xã hội thế nào rồi cũng sẽ được tổ chức lại chớ, hỗn độn như vầy mãi sao được…
Anh Ba Chà chận ngang:
- Thôi bây giờ xuống tam bản nhậu chơi, sẽ nói chuyện thêm. Chúng tôi định lên nhà ông, nhưng “thăm thẳm” quá xin không dám vào “thám hiểm” vậy!
Ông Năm Râu cười khì:
- Được, được! Mấy cậu mà còn không dám thì hạng trên còn có khi nào liếc mắt đến chúng tôi.
Ngày ấy, chúng tôi say vùi… và nói chuyện cũng hơi nhiều để chờ cho qua thêm một cái Tết!