Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn Tết cùng Đại tướng tại Vũng Chùa

Mặc cho sóng biển dập dềnh và gió rừng thổi vun vút, những đoàn người hối hả viếng thăm cùng với cánh mai rừng nở sớm cũng đủ làm cho người lính ở Vũng Chùa cảm nhận được khí xuân.

Những ngày cuối năm, khi người người đang háo hức trước thềm xuân Giáp Ngọ, các chiến sĩ biên phòng được giao nhiệm vụ canh "giấc ngủ" cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa (tỉnh Quảng Bình) vẫn điềm tĩnh trong bộ quân phục xanh đặc biệt của người lính. 

“Gió lạnh, vất vả nhưng vinh dự”

Chiều đông, cơn gió từ ngoài biển khơi đổ vào bờ thêm phần dữ dội. Xung quanh dãy núi, những vạt cây thay nhau gầm rú như "hăm dọa" các chiến sĩ canh gác mộ Đại tướng ở Vũng Chùa. Ấy nhưng vượt qua tất cả, những người lính biên phòng vẫn nghiêm trang trước sức càn quét của gió trời.

Ngay dưới chân núi - nơi những đoàn xe đang tiến vào bãi đỗ, mỗi khi có đoàn khách bước xuống, những chiến sĩ biên phòng lại hối hả đi vào từng nhiệm vụ: Hướng dẫn khách đến bàn đăng ký, nhắc nhở mọi người không đặt tiền, đồ lễ rồi xếp hàng, chỉnh trang lại đồ đạc trước khi đi lên viếng mộ, thăm Người.

Trước dòng người hối hả xếp hàng chuẩn bị lên viếng mộ, các chiến sĩ biên phòng thay nhau quan sát và không quên nhắc nhở khi thấy vị khách lạ “dính” vào điều cấm: “Xin lỗi! khách lên viếng mộ Đại tướng không được phép mặc quần - áo rách. Mong anh thông cảm”.

Sau phút chốc ngập ngùng, chàng thanh niên chủ động lùi lại, nhìn đoàn đi lên thắp hương trước phần mộ Đại tướng bằng ánh mắt tiếc nuối: “Mình từ ngoài Bắc vào thành phố Đồng Hới công tác, tiện thể cùng đoàn tới viếng thăm Người!. Thế nhưng, sơ suất quá nên đành cáo lỗi…”

Giọng chưa dứt, anh này quả quyết: “Đầu năm nhất định mình sẽ quay lại thắp hương cho Đại tướng. Sau chuyến này, về mình cũng nhắc mọi người chú ý, để không gặp phải sự cố như vậy”.

Các chiến sĩ biên phòng được giao nhiệm vụ canh "giấc ngủ" cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trên đoạn đường dẫn khách lên khu mộ phần Đại tướng, các chiến sĩ biên phòng tiếp tục được bố trí đứng trực tại những vị trí quan trọng. Gần chục người lính thay nhau hướng dẫn khách lên, xuống theo đúng phần đường quy định. Những đoàn người nối dài với những bó hoa cúc rực sắc vàng.

Tại vị trí sát ngay dưới chân phần mộ, hai chiến sĩ làm nhiệm vụ thông báo người đến viếng để hoa theo quy định rồi đứng xếp hàng. Ngay sau đó, những nén nhang được người lính lần lượt phát cho khách vào viếng. Bên trong kề cận mộ phần, bốn chiến sĩ nghiêm trang, ánh mắt xa xăm nhìn ra biển lớn.

Chia sẻ với phóng viên về những tháng ngày bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội bảo vệ trả lời ngắn gọn: “Ở đây gió lạnh, vất vả nhưng vinh dự lắm”.

Trung úy Hào bảo, cái vất vả ở đây là Vũng Chùa cách biệt hoàn toàn với các vùng dân cư nên điện lưới vẫn chưa có. Hơn thế, việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân cũng lắm khó khăn do chợ ở xa, đi lại mất nhiều thời gian, nhất là những ngày giáp Tết. 

“Nhưng khó khăn nhất với Vũng Chùa là vấn đề nước ngọt. Vì là vùng ven biển nên  anh em không dùng được nước tại chỗ. Do vậy, để có nước uống và tắm rửa, anh em phải thay nhau đi vào khu dân cư cách đây gần 5km mang về cho vào bể dùng dần”, trung úy Hào tâm sự.

Khó khăn, thiếu thốn từ cái ăn, nơi ở là vậy. Thế nhưng, bất kể trời mưa hay nắng, đêm hay ngày, ngày thường cho tới ngày Tết, từng tốp chiến sĩ vẫn nghiêm trang, kính cẩn bên khu mộ vị tướng của nhân dân, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam với tấm lòng biết ơn vô hạn.

Tự hào canh “giấc ngủ” cho Người

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ khu lăng mộ, hướng dẫn khách đến viếng mộ Đại tướng, các chiến sĩ biên phòng còn thay nhau làm công tác hậu cần và vệ sinh môi trường. Khó khăn là vậy, nhưng nhóm 30 chiến sĩ biên phòng “đóng” trên đất Vũng Chùa vẫn một lòng bảo vệ giấc ngủ của Người bằng tấm lòng thành kính.

Chia sẻ về cảm xúc khi phải đón Tết xa gia đình, trung úy Hào bảo đến tháng 2/2014 này là tròn 10 năm anh khoác áo lính, tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ quê hương, chủ quyền đất nước. Trong khoảng mười năm ấy, anh đã trải qua 7 năm ăn Tết xa gia đình với những cảm xúc thật đặc biệt.

Năm 2014 này, trung úy Hào lại tiếp tục xa gia đình, để ở lại Vũng Chùa ăn Tết cùng Đại tướng và các anh em chiến sĩ. Thêm một cái Tết xa gia đình, người thân nhưng bản thân trung úy Hào và anh em chiến sĩ vẫn tự hào khi được cấp trên tin tưởng, giao trọng trách canh “giấc ngủ” cho Người.

“Ở lại Vũng Chùa để canh giấc ngủ cho Đại tướng - người mà cả thế giới yêu quý là niềm vinh dự, tự hào không chỉ sau 10 năm khoác áo lính, mà còn là kỷ niệm suốt cuộc đời”, trung úy Hào chia sẻ.

Cũng theo lời trung úy Hào, ngay từ thời còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường anh đã may mắn được gặp Đại tướng 3 lần vào những dịp Đại tướng về thăm quê. Và, tất cả những lần gặp chớp nhoáng ấy đã để lại trong tâm trí người chiến sĩ trẻ sự bình dị, gần gũi của vị Đại tướng.

Trong khoảng thời gian gần 3 tháng qua, những chiến sĩ bảo vệ khu lăng mộ Đại tướng cũng được chứng kiến hàng trăm câu chuyện cảm động, rơi nước mắt. Nhất là những cụ ông, cụ bà tuổi cao, mắt đã mờ, gối đã mỏi nhưng vẫn cố vượt nghìn dặm xa xôi chỉ với một nguyện vọng: “Đến Vũng Chùa, để thắp hương tỏ lòng tri ân Người”.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, trung úy Hào bảo bất cứ ai đến Vũng Chùa cũng mang theo cái tâm và lòng kính cẩn dành cho Đại tướng. Mới đây, một cụ bà 93 tuổi ở thành phố Cần Thơ đã vượt cả chặng đường dài tới viếng mộ Đại tướng, khiến tất cả anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ vô cùng xúc động. 

“Cụ bà này bảo không thể sống để viếng Đại tướng lần thứ hai, nên còn chút sức lực bà cũng phải đi, để về có nhắm mắt cũng an lòng. Lời bà cụ nói khiến anh em chúng tôi phải ngoảnh mặt đi nơi khác để kìm nén xúc động khi thấy cụ khóc. Và, hơn hết những lời an ủi, động viên, lời nói của bà cụ cũng đã góp phần xua tan cái lạnh giá đang bám riết người lính đón Tết ở Vũng Chùa”, trung sĩ Hào chia sẻ. 

Chiều cuối năm, khi cái Tết con Ngựa đang rộn ràng nơi nơi, khi dòng người đến viếng mộ Đại tướng có phần thưa hơn vì nhà nhà, người người đang nghĩ tới bữa cơm tất niên, những người lính nơi Vũng Chùa đầy sương, đầy gió và sóng biển này vẫn tự hào với nhiệm vụ cao cả - canh "giấc ngủ" cho Đại tướng.

http://vietnamplus.vn/an-tet-cung-dai-tuong-tai-vung-chua/241829.vnp

Theo VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm